Vì sao Công Vinh vẫn...'tịt ngòi'?

Không ai biết “bầu” Kiên đã chi bao nhiêu để Lê Công Vinh chuyển “tình yêu” từ Hà Nội T&T sang CLB Hà Nội nhưng chắc chắn, con số đó chẳng thể thấp hơn 7 tỷ đồng mà “bầu” Hiển đề nghị. Công Vinh là kỷ lục chuyển nhượng của “bầu” Kiên, dám chắc, ông Kiên trông chờ ở Công Vinh nhiều lắm.

Có còn là số 1?

“Bầu” Kiên không dùng Công Vinh để đánh bóng tên tuổi thì kỳ vọng lớn nhất mà ông chủ này đặt vào bản hợp đồng kỷ lục trong đời làm bóng đá của mình là bàn thắng. Không kỳ vọng sao được khi Công Vinh, từ năm 2008, đã mặc định được xem là tiền đạo số 1 Việt Nam. Không kỳ vọng sao được khi mà Công Vinh, với việc ghi tới 13 bàn cho Hà Nội T&T mùa trước, có vẻ đã gạt bỏ lại sau lưng những chấn thương, áp lực, để trở lại phong độ tốt nhất. Oái oăm ở chỗ, cho tới giờ, tức là sau trận đấu thứ 4 ở Super League, Công Vinh lại chưa một lần khai hỏa.

Bốn trận không ghi bàn đối với một chân sút không phải là điều gì quá bi đát nhưng với Công Vinh, đó thực sự là vấn đề! Ở CLB Hà Nội, Công Vinh có đủ mọi điều kiện để tỏa sáng. Dẫn dắt CLB Hà Nội là ông Nguyễn Thành Vinh - HLV đã uốn nắn Công Vinh từ ngày tập tễnh vào nghề.

Chơi bên cạnh Vinh là Timothy - một trong những chân sút to khỏe nhất Super League, đủ sức cày ải, va đập để tạo khoảng trống cho đối tác. Tiếp sức cho Công Vinh là Thành Lương, Xuân Thành, Thanh Trung - đều là những tay kiến thiết có hạng của Super League.

Trong mối quan hệ với “bề trên”, Công Vinh được “bầu” Kiên đặc biệt tin tưởng. Nhìn lên khán đài, dù bị CĐV Hà Nội T&T ghét nhưng Công Vinh vẫn được CĐV CLB Hà Nội - những người có tiếng là cá tính và trung thành, ủng hộ hết mực và có ý tôn anh lên làm biểu tượng bên cạnh Thành Lương.

Từ tâm lý tới chuyên môn, Công Vinh đã được CLB Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất. Nhưng chât sút được xem số 1 của bóng đá Việt Nam từ năm 2008 đã chơi thế nào? Không bàn thắng, hai đường chuyền thành bàn và bỏ lỡ ít nhất hai cơ hội rõ rệt (trong trận thắng K.Khánh Hòa 4-1 ở vòng 3). Rõ ràng nếu nhìn từ những con số này, Công Vinh đang gây thất vọng. Và nếu xét về bàn thắng, Công Vinh giờ thua cả Tăng Tuấn (người tưởng là món hàng hớ nhưng vừa lập cú đúp cho Bình Dương). Có vẻ như, danh hiệu chân sút số 1 Việt Nam giờ nhắc kèm bên Công Vinh là một sự khập khiễng…

Tại anh, tại ả!

Vì sao Công Vinh lại vô duyên đến vậy trong màu áo CLB Hà Nội? Nhìn vào vài cơ hội ngon ăn mà Công Vinh bỏ lỡ từ đầu giải thì có vẻ như anh đang có vấn đề về phong độ. Nhìn vào cách mà Công Vinh đối xử và được đối xử với các đồng đội xung quanh thì có vẻ như CLB Hà Nội không chỉ đón Công Vinh với toàn hoa hồng.

Công Vinh đá tiền đạo nhưng ở CLB Hà Nội, vai trò săn bàn đã được giao cho Timothy. “Bò mộng” người Nigieria có thể gây ra những rắc rối bên ngoài sân cỏ nhưng trong sân, anh là tay săn bàn số 1. Chẳng thế mà Timothy dù xích mích với nhiều đồng đội, vẫn được HLV Nguyễn Thành Vinh giữ lại. Đã là số 1, việc Timothy được chiều chuộng là điều dễ hiểu, thế nên ngay cả khi chân sút này không chịu phối hợp với đối tác là Công Vinh, cũng hiếm khi thấy tiếng phàn nàn từ băng ghế huấn luyện.

Ở trận thắng K.Khánh Hòa 4-1, CLB Hà Nội có 2 quả phạt đền. Cả 2 lần Timothy đều lĩnh trách nhiệm đá phạt, bất chấp Công Vinh khát khao có bàn thắng giải tỏa tâm lý đến mức luôn nhảy vào ôm bóng sau mỗi tình huống đội nhà được hưởng đá phạt.

Là ngôi sao nhưng điều đó không có nghĩa Công Vinh được tất cả các đồng đội chào đón. “Bầu” Kiên nổi tiếng chặt tay, thế nên khi đội bóng của ông xuất hiện một ngôi sao được hưởng nhiều quyền lợn hơn, những tiếng ì xèo, những ánh mắt tỵ nạnh là điều không tránh khỏi.

Công Vinh đang có vấn đề về phong độ và sự ức chế sau 4 trận chưa “khai hỏa” có thể kéo theo vấn đề về tâm lý. Timothy vẫn ích kỷ trong khi phần còn lại của CLB Hà Nội không phải ai cũng dang tay. Giờ là lúc Công Vinh phải thể hiện được bản lĩnh của một ngôi sao nếu không muốn quãng thời gian “tịt ngòi” kéo dài hơn 360 phút…

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Đăng lại