Đặc biệt là phần diễn giải quá thiếu thuyết phục của VFF về công tác an ninh, an toàn sân cỏ…
Ẩu đả trên sân cỏ, đốt pháo sáng trên khán đài - Những hình ảnh tồi tệ của bóng đá Việt Nam 2008 Ảnh: Phạm Yên – Minh Hoàng
“Điểm đen” trong lịch sử bóng đá Việt Nam
Mùa bóng 2008 có thể coi là “điểm đen” trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi lần đầu tiên xảy ra thiệt hại về nhân mạng mà khởi nguồn liên quan tới bạo lực sân cỏ nhưng trong bản tổng kết của mình, có vẻ như BTC giải đã không đánh giá được đúng bản chất của sự việc.
Sự cố ẩu đả dẫn tới chết người sau trận TCDK.SLNA - XM.HP được BTC giải diễn giải là “có hiện tượng ẩu đả giữa CĐV XM.HP và TCDK.SLNA, sau trận đấu xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến một người bị thiệt mạng”.
Rõ ràng vụ việc xảy ra bên ngoài sân Vinh ngày 25/5/2008 không thể nhìn nhận đơn thuần chỉ như là một vụ tai nạn giao thông. Sự cố này bắt nguồn từ sự thiếu trách nhiệm của BTC sân và xa hơn nữa là BTC giải do đã không có những biện pháp ứng phó thích hợp khi xảy ra bạo loạn và cuối cùng để mọi việc diễn biến ngoài tầm kiểm soát.
VFF dễ quên?
Thêm một chi tiết nữa là dù trọng tài Xuân Hoà mới chỉ giã biệt “ngôi nhà” VFF trong một khoảng thời gian chưa tới nửa năm nhưng trong bản tổng kết mùa giải 2008, người ta đã nhầm lẫn họ của ông Hoà, từ họ Nguyễn trở thành họ Phạm. Chẳng lẽ cái tên của trọng tài này với VFF lại đáng để quên đến thế?
Hơn một tháng trước đó, chính xác là vào ngày 15/4, tại sân Vinh cũng xảy ra tình trạng bạo loạn sau trận TCDK.SLNA - Thể Công. Như vậy, cả BTC giải lẫn BTC sân đều đã nhận được lời cảnh báo nhưng họ đã không chịu rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết, để rồi khi xảy ra sự việc thì chỉ nhận trách nhiệm chung chung.
Chắc chắn là nếu không phải do áp lực quá mạnh từ dư luận và nhất là nếu không có chỉ đạo trực tiếp từ lãnh đạo Bộ VH-TT-DL, thì có thể chiếc ghế trưởng BTC giải của ông Dương Nghiệp Khôi sẽ được duy trì cho tới lúc hết giải.
Gia tăng bạo lực sân cỏ
Bạo lực khán đài chỉ là một góc nhỏ trong mảng tối của mùa giải 2008, vì ngay trên sân cỏ, dưới sự điều hành của những người làm công tác cầm cân nảy mực, bạo lực sân cỏ cũng bùng phát với mức độ cũng nghiêm trọng không kém, đến nỗi BTC giải cũng phải thừa nhận rằng “việc gia tăng số lượng thẻ phản ảnh thực trạng đáng báo động về lối đá bạo lực của các cầu thủ tham dự giải”.
Tính trung bình mỗi trận đấu ở V-League có số thẻ vàng là 4,15 thẻ/trận và thẻ đỏ là 0,20 thẻ/trận, con số này ở giải hạng Nhất là 4,53 thẻ vàng/trận và 0,30 thẻ đỏ/trận, tăng đáng kể so với hai mùa giải gần nhất là 2007 và 2006.
Thực ra điều này cũng không lạ nếu nhìn vào vụ bẻ còi hy hữu trên sân Chi Lăng trong trận đấu giữa SHB. ĐN và ĐT.LA vào ngày 11/5. Trước sự chứng kiến của hàng triệu khán giả xem truyền hình, một pha bóng xử lý hoàn toàn đúng luật của trọng tài Nguyễn Xuân Hoà đã bị thành viên BTC giải và hai giám sát, dưới sự tác động mạnh mẽ của lãnh đạo và BHL SHB Đà Nẵng, đã bị bẻ ngoặt thành sai để rồi sau đó đội chủ nhà chuyển thua thành thắng.
Mặc dù sau vụ việc này ban Kỷ luật đã tuyên án với cả thành viên BTC giải lẫn giám sát cũng như trọng tài nhưng ai cũng hiểu rằng kiểu kỷ luật như vậy chỉ mang tính chất giơ cao đánh khẽ, còn bản thân trọng tài Xuân Hoà thì bỏ nghề luôn vì không chịu nổi cảnh ứng xử phi luật giữa nội bộ những người làm luật.
Điều đáng nói hơn nữa là trong bản tổng kết mùa giải 2008, cái tên Xuân Hoà một lần nữa lại bị nhắc tới như là biểu hiện của “sự thiếu cương quyết, sai về phương pháp trọng tài dẫn tới làm mất lòng tin của người hâm mộ…”.
Cần nhớ rằng trong một thời gian rất dài trước khi xảy ra sự cố này, lúc còn làm trưởng BTC giải, Phó Tổng Thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi luôn từ chối tiết lộ mức án kỷ luật dành cho các trọng tài vì lý do “FIFA không cho phép”.
Vậy mà khi cần “thí” một con tốt để giữ mạng cho nhiều “con xe”, VFF sẵn sàng dẫm lên chính nguyên tắc mà họ đã từng bảo vệ chặt chẽ.
Xem cái cách tổng kết mùa giải của VFF, nói “bỗng dưng muốn khóc” là vậy!