Nguyên liệu làm tương được người làng Bần chọn gồm gạo nếp, đậu nành, muối. Gạo nếp được vo kỹ, ngâm nước rồi hấp thành xôi
Đậu nành được loại bỏ những hạt lép, rồi rang trên bếp với ngọn lửa nhỏ để bên trong chín giòn, vỏ ngoài vàng đều. Để nguội đậu nành đã rang, cho vào hũ sành ngâm nước sạch khoảng 1 tuần
Rải xôi trên nia (được làm bằng tre) hay trên mặt phẳng rộng phơi nơi thoáng mát cho lên mốc vàng.
Mỗi ngày dùng đũa đảo cơm nếp để mốc lên đều
Gạo được chờ lên mốc xanh và đem ra xoa cho các hạt xôi tơi
Sau một tuần ngâm đậu nành, dùng nước ngâm này cho mốc vào bóp nhuyễn, khi mốc đã nhuyễn cho thêm đậu nành, muối vào đảo đều. Muốn tương ngon, phải ngâm trong những chiếc chum (vại) bằng sành.
Vì khi mang tương ra ngoài nắng phơi, ánh sáng mặt trời làm nóng chum, giúp tương chín nhanh hơn. Trời càng nhiều nắng thì tương chín càng nhanh.
Nếu đúng là đặc sản làng Bần thì đậu nành, gạo nếp đều được trồng trên chính đất của làng, uống nước của làng, thì tương làm ra sẽ thơm ngon hơn nhiều.
Để tương nhuyễn và lên màu, người làm tương phải thường xuyên khuấy tương vào buổi sáng, và trưa. Tương phải được phơi nắng ít nhất 2 tháng, và cao hơn có thể từ 2 đến 3 năm. Tương càng được phơi kỹ trong nắng thì càng dậy mùi.
Khi tương đã chín, chiết tương từ những chum sành sang hũ, chai lọ...để dùng dần.
Cũng từ đây tương bần bắt đầu lên phố, đi khắp các vùng miền của Việt Nam. Tương bần rất dễ ăn, ăn kèm với bánh đúc, đậu phụ chiên, rau muống, cà… hay dùng để làm gia vị cho các món canh, kho cá… Vị ngọt thơm của nếp, nồng ngậy của tương kết hợp với nhau làm nên hương vị đặc sản không lẫn vào đâu được của người dân làng Bần.