Theo tài liệu Tiền Phong được cung cấp, ngày 16/4/2013, Đại hội cổ đông PSCC đã thông qua quyết định số 72/QĐ-ĐHĐCĐ về việc giải thể công ty Cổ phần Thể thao-Văn Hoá Dầu khí, nằm trong phương án tái cấu trúc Tập đoàn Dầu khí VN do Tổng công ty Khí VN-CTCP (PV GAS) báo cáo phương án.
Trong phương án này, toàn bộ VĐV của đội bóng chuyền nam Dầu khí (bao gồm cả đội bóng chuyền trẻ) bị chấm dứt hợp đồng, chuyển giao về Sở VH-TT&DL Hà Nội, thành lập đội bóng chuyền mới mang tên Đội bóng chuyền Dầu khí-Hà Nội. PV GAS là tài trợ cho đội bóng chuyền mới với số tiền 3 tỷ đồng/năm, thời gian tài trợ tối thiểu 3 năm kể từ khi hai bên ký hợp tác.
Tuy nhiên, do khúc mắc giữa đôi bên về tài chính (Hà Nội đề nghị mức tài trợ 4 tỷ đồng/năm, với thời gian tài trợ 4 năm), kế hoạch trên giữa PV GAS và Hà Nội không thực hiện được.
Trong đơn gửi lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí VN, các VĐV cho biết, ông Tô Phú Phong, Giám đốc PSCC đã đơn phương đàm phán với Sở VH-TT&DL Hà Nội. Tháng 5/2013, các VĐV đã có đơn kiến nghị, đề nghị CLB không ép buộc về Hà Nội và trong trường hợp công ty không bố trí việc làm mới thì tiến hành thanh lý hợp đồng để HLV, VĐV chuyển về các CLB khác thi đấu.
Bản thân tôi là giám đốc nhưng tập đoàn chưa có chủ trương bố trí công việc mới nên cũng không biết có việc làm không
Giám đốc PSCC
Tô Phú Phong
Ngày 9/5/2013, PSCC tổ chức cuộc họp có sự tham dự của Phó TGĐ PV GAS Nguyễn Thanh Nghị, hai ông Tô Phú Phong và Trần Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT PSCC với BHL cùng các VĐV.
Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thanh Nghị đã thông qua các quyết định chuyển toàn bộ BHL (3 người) và VĐV (12 người) của đội về Tổng công ty Khí VN quản lý, điều hành kể từ ngày 1/6/2013 và ký hợp đồng với PV GAS.
Tuy nhiên, ngày 17/5, vẫn ông Nguyễn Thanh Nghị đã ký công văn số 1023/KVN-PTNL gửi Tập đoàn Dầu khí đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động với BHL và VĐV bóng chuyền kể từ ngày 31/10/2013, sau khi kết thúc vòng 2 giải VĐQG.
Trong thời gian này, theo các VĐV, Giám đốc Tô Phú Phong đã cung cấp thông tin sai cho lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí là đa số đội bóng đều làm đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động nhưng trên thực tế, đến ngày 1/7/2013 mới chỉ 3 người ký thanh lý hợp đồng theo yêu cầu của ông Phong.
Ngày 28/6, BHL và các VĐV đội bóng chuyền nhận được thông báo về việc nghỉ tập tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội (Nhổn), từ ngày 1/7/2013. Theo HLV phó phụ trách đội bóng Trần Đăng Thành, trước khi nhận thông báo trên, công ty không có bất kỳ cuộc họp nào với HLV, VĐV.
Trước khi ký hợp đồng với PSCC vào tháng 5/2010, VĐV Trần Văn Giáp là trung úy công an, thuộc CA Vĩnh Phúc. “Khi mời tôi về, lãnh đạo công ty hứa hẹn sẽ tạo điều kiện thi đấu trong môi trường chuyên nghiệp, đảm bảo thu nhập tốt và tương lai sau khi nghỉ thi đấu. Nay tuổi tôi đã gần cuối sự nghiệp, rất khó để tìm một công việc mới”-VĐV Giáp nói tiếp.
Một trường hợp khác, nguyên tay chuyền 2 của đội Bưu Điện Hà Nội Đặng Thị Hồng, hiện làm công tác văn phòng ở PSCC, đang mang thai tháng thứ 5 cũng rơi vào cảnh không có việc làm sau khi PSCC giải thể.
Trong hợp đồng ký với các VĐV, PSCC cam kết bố trí việc làm cho VĐV khi hết tuổi thi đấu hoặc không có khả năng tiếp tục thi đấu đỉnh cao, ký lại hợp đồng phù hợp với công việc mới.
Giám đốc PSCC Tô Phú Phong hôm qua cho biết, PSCC và PV GAS không vi phạm hợp đồng lao động với các VĐV. Theo ông Phong, quyết định giải thể PSCC được công bố từ tháng 4/2013. Công ty đóng đủ bảo hiểm, trả 3 tháng lương trợ cấp thất nghiệp và đảm bảo các chế độ khác khi giải thể cho HLV, VĐV.
Theo ông Phong, vài tháng trước công ty đã thông báo việc một công ty con của Tập đoàn Dầu khí sẽ tiếp nhận những người có đơn xin sang, nhưng không VĐV nào gửi đơn.
Tuy nhiên, trao đổi với Tiền Phong, các VĐV cho biết không nhận được thông báo nào của công ty.