Rượu vang giả, vang nhái nguy hiểm đến thế nào?
Hàng năm, hàng nghìn chai rượu vang với nhãn mác giả, nhái các sản phẩm nổi tiếng với tem nhập khẩu, nút, màng co và nguyên liệu được pha hương vị hóa chất và cồn methanol được bày bán tràn lan trên thị trường.
Methanol là một loại cồn công nghiệp để phục vụ chủ yếu cho việc nấu đồ nướng hay lẩu trong chế biến ẩm thực, tuy nhiên đối với những đối tượng xấu, đây lại trở thành một nguyên liệu để pha rượu. Những trường hợp ngộ độc methanol phổ biến: nhẹ thì có thể phá hỏng hệ tiêu hóa, nôn mửa…, nặng thì mù mắt, thậm chí là tử vong.
Hầu như năm nào các bệnh viện cũng tiếp nhận những ca ngộ độc methanol do uống phải vang giả, vang nhái. Nhiều người rơi vào trạng thái hôn mê, tổn thương não, thậm chí tử vong.
Nguy hiểm tới tính mạng người tiêu dùng là vậy, nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân, đơn vị vẫn “bất chấp” sản xuất rượu vang giả. Với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nếu không phải là người sành vang, khách hàng hầu như khó phân biệt được chất lượng ngon dở của sản phẩm, dễ dẫn đến việc mua lầm chỉ vì “mác” của những thương hiệu uy tín..
Chọn rượu vang sao cho chuẩn?
Rượu vang nguyên chất là một sản phẩm có chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho tiêu hóa, hệ tuần hoàn và tim mạch. Tuy nhiên đối với những sản phẩm kém chất lượng, khi được thêm cồn và các hương hóa chất vào sẽ khiến những chất chống oxy hóa này bị thay đổi, mất tác dụng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Chính vì vậy người tiêu dùng phải tìm hiểu thông tin, lựa chọn những hãng rượu vang có uy tín để đảm bảo sức khỏe cho chính mình.
Theo giới sành vang, có nhiều cách để nhận biết rượu vang thật, giả. Một trong những cách đơn giản là sử dụng baking soda hay giấm trắng. Với baking soda, người tiêu dùng có thể nhận biết rượu vang thật, giả bằng cách nhìn vào màu sắc của rượu: rượu đổi màu hoặc màu trở nên đậm hơn thì đó chính là rượu vang thật; rượu vang giả sẽ không thay đổi màu sắc. Còn để phát hiện liệu đó có phải rượu vang nguyên chất từ nho hay không, với ly rượu bị biến đổi màu sau khi thử baking soda, người tiêu dùng có thể cho thêm một thìa giấm trắng. Nếu rượu lập tức trở về màu đỏ tím ban đầu thì là rượu vang thật từ nho và ngược lại.
Một cách cũng thông dụng khác là đổ một giọt rượu lên viên phấn viết bảng. Nếu giọt rượu trên phấn trở nên sáng hơn sau khi khô thì đó là rượu thật, còn nếu giọt rượu đậm màu, khiến viên phấn đổi màu rõ rệt thì chứng tỏ trong rượu có phẩm màu hóa học.
Giới sành vang cũng chia sẻ, để nhận biết rượu vang thật – giả, đối với các chuyên gia, có lẽ chỉ cần 5 phút dừng chân tại quầy, nhưng đối với người tiêu dùng thì thường khi mua về họ mới biết “tiền mất tật mang”. Do vậy, để tránh mua nhầm vang giả, kém chất lượng, người tiêu dùng cần thực sự “tỉnh táo”.
Nguồn cầu ngày càng tăng chính là một trong những lý do “thuận lợi” để “vang giả”, “vang nhái” xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường, nhất là dịp cận Tết. Vì vậy, để vừa đảm bảo về chất lượng, giá thành lại vừa tiết kiệm được thời gian mua sắm, người tiêu dùng nên lựa chọn các sản phẩm rượu vang đến những thương hiệu uy tín, có hệ thống cửa hàng, đại lý, tem nhãn được đăng ký bảo hộ chính thống để có được một mùa tết an toàn.