Vấn nạn văn bằng, chứng chỉ giả

TP - Những năm gần đây, lực lượng công an trên cả nước liên tục triệt phá, bóc gỡ các đường dây sản xuất văn bằng, chứng chỉ giả, nhiều cán bộ sử dụng bằng giả cũng đã bị xử lý, song thị trường mua bán bằng cấp, chứng chỉ tin học, ngoài ngữ vẫn nhộn nhịp.
Lê Văn Hoàng (trái ảnh) và Lê Hoàng Phi - hai đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất bằng giả và tang vật vụ án.

Thu một tấn phôi bằng và 1.200 con dấu

Lời khai của Lê Văn Hoàng (SN 1985, trú tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) - đối tượng cầm đầu đường dây sản xuất bằng giả vừa bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) triệt phá cho thấy nhu cầu “không học, không thi mà vẫn có bằng” đang trở thành vấn nạn nhức nhối. Chỉ trong vòng một năm hoạt động, đường dây này đã bán ra thị trường hàng nghìn văn bằng, chứng chỉ giả.

Khám xét khẩn cấp chỗ ở của Lê Văn Hoàng tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TPHCM), cơ quan điều tra đã thu giữ khoảng một tấn phôi bằng, chứng chỉ các loại, khoảng 1.200 con dấu bằng đồng của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên cả nước nghi là giả và nhiều máy móc, công cụ, phương tiện phục vụ việc làm giả con dấu, tài liệu…

Bước đầu, Hoàng khai nhận, qua mạng xã hội, thấy nhu cầu cần mua văn bằng, chứng chỉ giả rất lớn nên Hoàng đã nảy ý định kiếm tiền bất chính bằng cách lập ra đường dây sản xuất, kết nối, mua bán bằng giả. Hoàng đã lên mạng nghiên cứu cách thức và mua các loại phôi bằng, con dấu cùng các công cụ, máy móc phục vụ việc làm bằng giả với giá khoảng hơn 100 triệu đồng.

Hoàng thuê lập website “lambangdaihoc”, công khai đăng quảng cáo làm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp và làm bằng tiến sỹ, thạc sỹ, chứng chỉ ngoại ngữ, tin học các loại. Lê Hoàng Phi trợ giúp anh trai đóng dấu, ký nháy các văn bằng giả, đồng thời vận chuyển bằng đến cho khách hàng… Mỗi văn bằng giả, các đối tượng thu về từ 3 đến 5 triệu đồng.

Chỉ trong khoảng 1 năm hoạt động, đường dây của Hoàng đã sản xuất hàng nghìn tấm bằng giả các loại của nhiều trường đại học, cao đẳng, thu lời bất chính với số tiền rất lớn. Các đối tượng  thực hiện việc làm bằng giả tại TPHCM, phục vụ chủ yếu khách hàng ở khu vực Hà Nội.

Cùng với việc điều tra làm rõ hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức” của các đối tượng trong đường dây, Công an quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ điều tra các đối tượng mua và sử dụng bằng là cán bộ, quan chức.

hàng nghìn văn bằng, chứng chỉ giả được tung ra thị trường

Ngồi nhà là có văn bằng, chứng chỉ

Sau khi đường dây của Lê Văn Hoàng bị Công an quận Nam Từ Liêm triệt phá, tưởng rằng những đường dây khác phải “ẩn mình”, nhưng qua tìm kiếm trên Internet, chỉ cần gõ cụm từ “làm bằng, chứng chỉ”, ngay lập tức kết quả cho thấy hàng triệu đường dẫn quảng cáo về việc không cần học, không cần thi cũng có bằng.

Theo lời quảng cáo của một số trang web như: lambanggiaongay.com; lambanggiatot.com; lambangnhanhgiare.net… thì  khách hàng chỉ cần bỏ ra khoảng 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng là sẽ có trong tay chứng chỉ tin học, ngoại ngữ “chuẩn châu Âu”  hoặc tấm bằng đại học, cao đẳng, trung cấp.

Thậm chí, trang web lambangcapchungchi.com còn cam kết “Chứng chỉ Anh văn - Tin học ngoại ngữ được làm từ phôi thật, tem thật của các trường. Do vậy, chúng tôi đảm bảo chất lượng như bằng thật chính xác 100%”.

Cùng với lời quảng cáo, các trang web này còn cam kết bằng sẽ được làm xong sau 1-2 ngày; bảo mật thông tin tuyệt đối cho khách hàng và bảo hành mãi mãi, miễn phí lần đầu nếu bằng bị mất hoặc hư hỏng. Đáng chú ý, trên web “chuyenlambangcap” còn hướng dẫn khách liên hệ qua số điện thoại Zalo để trao đổi, giao dịch.

Khi PV liên hệ, tài khoản Zalo này lập tức báo giá 3 triệu cho tấm bằng đại học, 2 triệu cho chứng chỉ tin học - tiếng Anh. Nếu người mua “chốt đơn hàng” thì sẽ nhận văn bằng, chứng chỉ chỉ sau 1 ngày và giao dịch theo phương thức “kiểm tra - nhận hàng - trả tiền”. Người đầu dây bên kia còn khẳng định, khi nhận bằng, khách có thể mang đi công chứng để làm hồ sơ xin việc.          

Trao đổi với Tiền Phong, một cán bộ điều tra Công an Hà Nội cho rằng, bằng cấp, giấy tờ giả đang là một trong những vấn nạn gây bức xúc trong dư luận xã hội. Một trong những nguyên nhân khiến vấn nạn này vẫn như “nấm sau mưa” vì có cầu ắt sẽ có cung. Khi tiêu chí bằng cấp vẫn đặt nặng thì có không ít người sẽ tìm mọi cách gian lận để làm đẹp hồ sơ xin việc. Nguy hiểm hơn, khi những người sử dụng bằng cấp giả sau này lại “leo” lên vị trí chủ chốt trong cơ quan, tổ chức.

“Để hạn chế tình trạng mua bán văn bằng, chứng chỉ giả, theo tôi các cơ quan quản lý nhà nước phải cùng nhau vào cuộc, siết chặt hơn việc cấp phát phôi bằng; các cơ quan, tổ chức khi tiếp nhận hồ sơ xin việc cần kiểm tra lại xem văn bằng, chứng chỉ của người xin việc; kiểm tra,  xử lý nghiêm những trường hợp dùng bằng giả. Khi không còn nhu cầu xài bằng giả thì các dịch vụ làm bằng giả sẽ tự mất đi” – vị cán bộ này phân tích.