V-League 2012 vào chặng nước rút - Khi BTC giải… chạy điểm
> Vung tay quá trán, bóng đá Việt lãnh hậu quả
Bóng đã lăn trở lại sau quãng nghỉ né EURO 2012. Cả V-League cuống cuồng với chặng nước rút bằng những toan tính, trong khi các nhà tổ chức cũng không nằm ngoài vòng xoáy: chạy “điểm”!
Chọn chỗ ra đòn
Ngay trước khi V-League nghỉ né EURO, BTC V-League đã đưa ra khuyến cáo, yêu cầu các đội bóng phải nêu cao tinh thần mã thượng, tuyệt đối nói không với tiêu cực. Chẳng những vậy, trong cuộc gặp gỡ báo chí, VPF cũng khẳng định, mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn nước rút là chống tiêu cực. Thậm chí, như tiết lộ của Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên, sau khi mùa bóng 2012 hạ màn, có thể VPF sẽ công bố đội bóng hay cá nhân còn lấn cấn với tiêu cực.
Dĩ nhiên, không vô cớ mà VPF hay cụ thể là BTC giải chọn việc chống tiêu cực làm ưu tiên số 1 trong giai đoạn nước rút. Khối u đã di căn này, mùa nào cũng khiến giới chuyên môn hay dư luận ồn ào. Bởi vậy, nếu VPF thật sự nói được, làm được, có lẽ họ sẽ nhận được thừa nhận thực sự của dư luận, thay vì có những lấn cấn về chuyện vừa đá bóng, vừa thổi còi khi tiếm quyền tổ chức, điều hành giải của VFF vào đầu mùa giải.
Theo Trưởng BTC giải Trần Duy Ly, suốt chặng nghỉ né EURO vừa qua, chỉ có CLB thảnh thơi chứ VPF và BTC giải thì… thở không ra hơi. Liên tục có những cuộc họp nội bộ của VPF hoặc phối hợp cùng Tổng cục TDTT, VFF để đưa ra biện pháp chống tiêu cực rốt ráo nhất. Thậm chí, sau khi bóng lăn ở trận đấu bù trên sân Vinh, ngày 12-7 tới, VPF tiếp tục có cuộc họp với 28 đội bóng và lực lượng an ninh để có biện pháp chống tiêu cực tối đa, đảm bảo mùa giải về đích an toàn.
Ông Ly cho hay, ở chặng nước rút, trước mỗi vòng đấu sẽ trận đấu được xác định là “điểm nóng”. Qua đó, BTC giải, Ban trọng tài và lực lượng an ninh sẽ phối hợp bủa vây, phòng chống tiêu cực xảy ra. Mặt khác, phía BTC giải khẳng định, trong 6 vòng nước rút, các thành viên BTC giải sẽ “ba cùng” với giới trọng tài, giám sát nhằm xử lý sự cố phát sinh một cách nhanh nhất. “Trọng tài tốt nhất sẽ được chọn điều hành. Bắt tốt thì làm nhiều trận, bằng không sẽ ngồi ngoài. Tất cả hành vi phản ứng trọng tài của BHL, cầu thủ trong giai đoạn này sẽ bị phạt rất nặng”, ông Ly nói.
Không thể xấu xí mãi
Việc các nhà tổ chức trở nên năng động, quyết liệt hơn trong chặng nước rút chẳng có gì bất ngờ. Ai cũng hiểu, thành bại của mùa bóng phụ thuộc rất lớn vào khả năng tổ chức, lèo lái ở giai đoạn nóng bỏng này. Đây chính là chặng đường nhạy cảm và khó lèo lái nhất.
Trong khi đó, sau khi thế chỗ VFF đảm nhiệm quyền điều hành, tổ chức giải, thực tế ấn tượng mà VPF để lại không nhiều. Có rất nhiều hình ảnh xấu xí bày ra trước dư luận khi mà VPF và VFF cãi nhau vì cuộc chiến bản quyền truyền hình, hoặc hàng loạt sự cố về trọng tài, nghi án tiêu cực mà dường như VPF vẫn bó tay. Vì vậy, nếu VPF không “chạy điểm” thành công thì ngay cả khi VPF được xí xóa rằng, họ mới có mùa bóng đầu tiên tiếp cận với quyền tổ chức, điều hành giải chăng nữa, ấn tượng xấu mà VPF để lại cũng tệ chẳng kém gì… VFF.
Có quá nhiều lý do buộc VPF và các nhà tổ chức V-League, hạng Nhất phải chuyển động để đánh bóng hình ảnh. Giữ điểm trước nhà tài trợ chính Eximbank là ví dụ. Cả mùa giải, hình ảnh của Eximbank liên quan đến V-League trước dư luận và báo chí hẳn nhiên là chưa làm hài lòng đối tác đã chi hơn 30 tỷ đồng cho VPF ở mùa này. Bằng chứng là tên giải đấu được chuyển tải khá méo mó trên mặt báo, dù rằng đối tác tài trợ đã nhiều lần phàn nàn khi quyền lợi không được đảm bảo, từ khi VFF hay chuyển giao cho VPF làm đối tác ký tài trợ. Thế cho nên, nếu VPF không xoa dịu và lấy điểm bằng cú nước rút hoàn hảo, chẳng có gì đảm bảo cho V-League giữ được đối tác rất thoáng và chịu chi như vậy.
Chạy “điểm”, hình như không chỉ có các đội bóng lo cuống cuồng!
Theo Ngọc Linh
Sài Gòn tiếp thị