Uống thuốc hạ sốt để "lừa" máy đo thân nhiệt

TP- “Hàng loạt hành khách từ vùng dịch về Việt Nam qua sân bay Tân Sơn Nhất uống thuốc hạ sốt để đánh lừa máy đo thân nhiệt sau khi biết mình có hiện tượng sốt cao từ trước đó”.

>> Mùa đông, dịch cúm có thể gia tăng

Máy đo thân nhiệt tại một sân bay quốc tế. Ảnh: Reuters.

Bác sĩ Nguyễn Văn Châu - Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết vào sáng 12/6.

“Cứ ba tiếng một lần, hành khách có biểu hiện sốt trước đó uống thuốc hạ sốt, vì vậy, khi qua sân bay, máy đo thân nhiệt đều bỏ qua. Đây cũng chính là đối tượng rất dễ mang mầm bệnh lây lan cho cộng đồng” - bác sĩ Châu nói.

Theo bác sĩ Châu, điều tra lâm sàng từ những ca đi cùng chuyến bay với người nhiễm cúm A/H1N1 về Việt Nam được cách ly theo dõi sau đó mới biết được nguyên nhân vì sao họ vào được TPHCM mà máy đo thân nhiệt không phát hiện ra.

Các bác sĩ cho biết, máy đo thân nhiệt chỉ phát hiện được khi cơ thể hành khách trên 37 độ C.

Tại cuộc họp báo hôm qua về tình hình dịch cúm A/H1N1, bác sĩ Nguyễn Văn Châu cũng thừa nhận, hiệu quả giám sát các ca bệnh mới được một nửa.

“Trong 10 chuyến bay về Việt Nam có ca dương tính cúm A/H1N1 với hơn 1.000 hành khách nhưng chỉ tiếp cận chưa tới một nửa trong số họ” - bác sĩ Châu nói.

Lý do, theo bác sĩ Châu, khi tiếp cận, hành khách thay đổi địa chỉ hoặc khai báo địa chỉ lưu trú không đúng.

Chính vì vậy, một phương án mà Sở Y tế TPHCM vừa triển khai khả quan là phát tờ khai cho hành khách đi đến sân bay, nhà hàng, khách sạn.

Tờ khai chi tiết thông tin về nhân thân, địa chỉ, tình trạng sức khỏe này sẽ được tập hợp gửi về Trung tâm Y tế Dự phòng các quận huyện, các tỉnh thành. Do đó, hành khách đi đâu cũng có thể giám sát được.

Từ ngày 26/4 đến nay, 150.000 người vào Việt Nam từ vùng dịch qua sân bay Tân Sơn Nhất, trong đó máy đo thân nhiệt phát hiện 197 người có thân nhiệt cao, bốn trong số đó được máy đo thân nhiệt phát hiện dương tính với cúm A/H1N1 ngay từ đầu.

Hiện chưa ghi nhận người nước ngoài nào mắc cúm A/H1N1 ở Việt Nam.