U18 Việt Nam bị loại trên sân nhà: Bóng đá trẻ không thể lứa nào cũng hay

TP - Ðây là quan điểm của bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy khi đề cập thành tích sa sút của một số đội tuyển bóng đá trẻ Việt Nam thời gian vừa qua. Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cũng cho biết, đào tạo trẻ cần thời gian, sự kiên nhẫn, đầu tư bài bản và thậm chí cả may mắn.
Sau lứa Công Phượng, Quang Hải thành công vang dội 2 năm qua, thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn hiếm khi gặt hái thành công ở sân chơi bóng đá trẻ. Ảnh: HỮU TUẤN

Năm 2016, đội tuyển U19 Việt Nam từng vào tới bán kết U19 châu Á, qua đó đoạt vé tham dự VCK U20 thế giới tại Hàn Quốc (năm 2017). Đây là giải đấu đánh dấu sự xuất hiện của một loạt tài năng trẻ Việt Nam, như Quang Hải, Văn Hậu hay Hà Đức Chinh…Sự kết hợp của những cầu thủ này với lứa Công Phượng đã tạo nên một cột mốc mới cho bóng đá trẻ Việt Nam khi tại VCK U23 châu Á 2018, đội tuyển U23 Việt Nam vượt qua nhiều “ông lớn” châu lục để vào tới chung kết.

Năm 2017, đội tuyển U16 Việt Nam cũng đã đoạt chức vô địch giải U16 Đông Nam Á sau khi đánh bại Thái Lan ở loạt luân lưu. Thành tích ở các giải trẻ, cộng hưởng với chức vô địch AFF Cup 2018 đã khiến không khí bóng đá Việt Nam hơn 2 năm qua trở nên sôi nổi hơn. Tuy nhiên, thành tích gần đây của các đội tuyển trẻ lại có dấu hiệu chững lại, gây nên khá nhiều ý kiến lo lắng.

Tuyển U19 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn đã liên tục bị loại ở vòng bảng giải U19 Đông Nam Á 2 năm 2017 và 2018. Tại giải U19 châu Á 2018, U19 Việt Nam cũng không qua được vòng bảng với 3 trận toàn thua. Tuyển U16 Việt Nam cũng bị loại ngay từ vòng bảng giải U16 Đông Nam Á 2018.

Tại giải U18 cúp Next Media 2018 đang diễn ra tại Tp Hồ Chí Minh, đội tuyển U18 Việt Nam cũng thi đấu rất trầy trật ở vòng bảng. Lối chơi rời rạc, thiếu đường nét của U18 Việt Nam là một trong những vấn đề được đem ra “mổ xẻ” khá nhiều”. Liệu có thể cho rằng bóng đá trẻ Việt Nam đang chững lại?

Theo BLV Vũ Quang Huy, đào tạo trẻ cần được làm liên tục, xây dựng nền móng vững chắc để tạo nguồn lực lượng. “Tuy nhiên chúng ta không thể đòi hỏi lứa trẻ nào cũng hay. Các đội trẻ hết lứa này ra lại đến lứa khác lên, đào tạo được một tài năng bóng đá không hề dễ”-BLV Vũ Quang Huy cho biết.

Làm từ cấp CLB

Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, chỉ một số “lò” đào tạo trẻ có sự đầu tư bài bản, như HAGL, Viettel, SLNA hay PVF. Mặc dù vậy ngay với HAGL, sau lứa 1 của Công Phượng, Lương Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn...các lứa sau cũng chưa xuất hiện những gương mặt thực sự nổi bật. CLB Hà Nội tương tự, được nhắc đến khá nhiều cùng với sự nổi tiếng của Quang Hải, Duy Mạnh hay Đình Trọng. Tuy nhiên, trên thực tế, những cầu thủ này lại được đào tạo bởi Trung tâm đào tạo trẻ Hà Nội tại Gia Lâm, vốn thuộc Sở VH-TT Hà Nội. Chỉ sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo trẻ, các cầu thủ này mới được chuyển giao cho đội bóng của bầu Hiển. Một số địa phương như Nghệ An, Thanh Hoá hay Nam Định từng có truyền thống đào tạo được nhiều cầu thủ giỏi. Song, do nhiều yếu tố khác nhau, những nơi này chưa thực sự khai thác được hết tiềm năng.

BLV Vũ Quang Huy cho rằng, đào tạo trẻ phải bắt nguồn từ các CLB. Mặc dù vậy có thể thấy, các quyết sách và định hướng của VFF có tác dụng làm cơ sở hỗ trợ cho những thay đổi ở các CLB. Ông Trần Quốc Tuấn, Phó chủ tịch thường trực VFF cho biết: “Từ nhiệm kỳ VII, VFF đã xác định hướng đầu tư mạnh cho đào tạo trẻ. Đây là yêu cầu cần thiết để bóng đá Việt Nam tạo nguồn lực lượng. Dĩ nhiên, trong một lứa cầu thủ phải có người hay, người dở. Để tạo nên một ngôi sao bóng đá ngoài các yếu tố chuyên môn, đôi khi cần cả may mắn. Nhưng chúng ta cần có phương hướng rõ ràng thì mới có thể trông đợi gặt hái được kết quả. Quá trình đầu tư cũng cần bài bản, kiên nhẫn, không thể đòi hỏi ngay một lúc có thành tựu”.