Đầu tiên là sự ì ạch trong giai đoạn chuẩn bị cho giải. Dưới thời HLV Henrique Calisto, tuyển Việt Nam đã trải qua 10 trận liền không biết thắng trước khi bước vào giải vô địch Đông Nam Á. Khi ấy, đội tuyển đối diện với nhiều hoài nghi. Điều tương tự đã diễn ra ở tuyển Việt Nam của năm 2024, khi đội đá 11 trận chỉ thắng 1, còn lại hứng chịu tới 9 thất bại (cũng là 10 trận không biết thắng như 2008). Những chỉ trích và hoài nghi đã xuất hiện dưới thời HLV Kim Sang-sik.
Thứ hai là thói quen ghi bàn sau giờ nghỉ giữa hiệp. Ở giải đấu 16 năm trước, Việt Nam thường vào trận một cách chậm rãi. Lối chơi không có nhiều chuyển biến cộng với khả năng dứt điểm hạn chế khiến Việt Nam chỉ ghi được đúng 1 bàn trong hiệp 1 từ các trận vòng bảng cho tới bán kết. Còn lại là những bàn thắng hiệp 2 và thường tập trung vào 15 phút cuối.
Kịch bản tương tự đang diễn ra ở giải đấu năm nay. Trước khi bước vào chung kết ASEAN Cup 2024, Việt Nam ghi 16 bàn nhưng chỉ 1 đến ở 45 phút đầu. Bàn thắng ấy cũng chỉ đến từ tình huống sút phạt đền của Xuân Son ở trận gặp Singapore. Ngược lại phải sang hiệp 2, đội tuyển đã bùng nổ tấn công và liên tiếp tạo nên những khoảnh khắc ăn mừng cho người hâm mộ.
“Giao điểm” thứ 3 là Singapore. Việt Nam gặp Singapore ở bán kết giải đấu 16 năm trước và giành chiến thắng chung cuộc 1-0. Năm nay là tỷ số 5-1 trước đại diện đảo quốc Sư tử. Và khá giống với năm 2008 là năm nay, Việt Nam cũng thắng trên sân của đối thủ.
Một chi tiết cuối cùng và rất quan trọng chiến thắng trước Thái Lan ở chung kết lượt đi với tỷ số 2-1. Cách đây 16 năm, đội bóng của HLV Calisto đã dẫn 2-0 và bị gỡ lại 1 bàn. Trên đất Việt Trì vào tối 2/1/2025, kịch bản y hệt tái diễn, nhưng có khác biệt là cuộc chơi thuộc về Việt Nam với liên tiếp những pha hãm thành thay vì bị áp đảo và phải chơi phòng ngự phản công như 16 năm về trước.
ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn