Tuy nhiên, bao năm nay, tuyển Anh vẫn chưa cho thấy sự thuyết phục, cũng chưa xứng đáng với mỹ danh Tam sư của họ. Giải đấu nào tuyển Anh cũng quy tụ được những ngôi sao hàng đầu và nhận được sự kỳ vọng lớn lao. Mọi quan tâm của người hâm mộ đất Việt dồn vào họ như thể, các ngôi sao Premier League ở ngay Việt Nam vậy!
Cập nhật lịch thi đấu và kết quả VCK EURO 2020 nhanh nhất
05/06/2021
Hôm 29/6, tuyển Anh thắng Đức để tiến vào vòng tứ kết. Thầy trò HLV Gareth Southgate coi như đã trả món nợ 25 năm ở EURO 1996, cũng tại Wembley. Xét về thành tích, đây là bước tiến không nhỏ của tuyển Anh. Họ thắp lên niềm tin cho sự thay đổi nhờ một thế hệ cầu thủ tài năng đang hiện hữu. Thế nhưng, chứng kiến cách tuyển Anh giành chiến thắng, cách HLV Southgate sử dụng nhân sự cũng như cách đội bóng này vận hành lối chơi, những người yêu mến họ vẫn có cảm giác “ăn may”.
Tuyển Anh của HLV Southgate kỳ này, biết đâu cứ đá kiểu cầu may, thắng thua trong gang tấc mà lại trở thành “cái tên được Chúa chọn” cũng chưa biết chừng!
Nó hệt như kiểu chúng ta ngồi trên lửa trong mỗi trận đấu của đội tuyển Việt Nam thời đôi ba chục năm trước. Vừa xem đá bóng, vừa bực bội, vừa giận, vừa tức nhưng cũng lại vừa thương, chỉ mong đội bóng mình yêu vượt qua “cửa tử”.
Tuyển Anh hôm gặp tuyển Đức cũng y hệt thế. Vẫn chấp chới yêu ghét, giận hờn. Họ chơi tấn công hay phòng ngự cũng chả rõ ràng. Nhân sự thì luôn khiến người ta phải đặt câu hỏi. Harry Kane ghi được bàn nhưng phong độ thì “ngửi không nổi”. Nhiều người cho rằng, nếu cầu thủ khác được sử dụng thay Kane, có thể tuyển Anh sẽ chơi mạch lạc hơn, dù không biết cầu thủ đó có ghi bàn hay không?
Ở tuyến giữa, cặp tiền vệ Declan Rice - Kalvin Philipp cao to lực lưỡng nhưng vẫn rất nhiều lần để hở hoác khu trung tuyến. Họ chơi song song, đá ngang nhau chứ không di chuyển kiểu so le, một trên - một dưới. Cách đá này nhìn thì kín, nhưng thực tế di chuyển lại hở. Vì chỉ cần đối phương chuyền khe theo chiều dọc, cả Rice lẫn Philipp đều ở lại phía sau.
Cũng vì cách bố trí song song của cặp tiền vệ trung tâm, nên tính kết nối giữa các tuyến của tuyển Anh trở nên yếu ớt. Cự ly đội hình không duy trì nổi, bên trái, bên phải gần như chơi nhóm nhỏ chứ không phải di chuyển đồng bộ. Thật khó hiểu khi HLV Southgate sử dụng bộ đôi này gần hết trận, đến khi Rice có dấu hiệu chuột rút mới thay Henderson vào. May sao, tuyển Anh kỳ này có hàng thủ chơi rất ổn. Johnstone, Magguire, Kyle Walker tạo thành bộ 3 trung vệ chắc chắn, nhanh - mạnh - tốc độ. Ở hai cánh, Kieran Trippier và Luke Shaw công thủ khá toàn diện. Đặc biệt, hậu vệ đang khoác áo MU luôn có những phương án xuống biên đột biến, tạo nhiều giải pháp hỗ trợ cho các đồng đội!
Nhìn tuyển Anh thi đấu, những người yêu mến họ vừa run rẩy, vừa hoang mang và cũng sẵn sàng… cầu nguyện. Thầy trò HLV Southgate vượt qua ải khó là tuyển Đức, giờ đối thủ trước mặt chỉ là Ukraine bị đánh giá thấp hơn và không có nhiều cầu thủ chất lượng trong đội hình. Liệu họ có tạo được sức bật áp đảo ở trận đấu này, hay vẫn thi đấu kiểu mong manh giữa hai lằn ranh suýt thắng, hoặc suýt thua?
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, bóng đá chả khác gì cuộc đời. Hay quá có khi cũng không tốt, dở dở một chút lại hoá hay. Vì bóng đá hay người thành công, giỏi mà không có “vận số tốt” thì cũng vứt đi hết! Hơn thua nhau có khi chỉ là may mắn...