Trung Quốc: Cái giá phải trả khi rời quân ngũ

TPO - Các lực lượng vũ trang Trung Quốc có tới 2 triệu người, nên một lính mới không chịu được đời sống quân ngũ mà rời bỏ thì có gì đáng nói?
Tân binh Trung Quốc rèn thể lực. Ảnh: Getty Images.

Vụ việc của sinh viên đại học Zhang Moukang quê tỉnh đảo Hải Nam hồi tuần trước khiến dư luận trong và ngoài nước để ý vì cái giá mà anh này phải trả khi tự rời bỏ quân ngũ.

Website tiếng Anh của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), quân đội Trung Quốc, đăng tải chi tiết các hình phạt mà Zhang phải đối mặt sau khi anh này tuyên bố không muốn phục vụ quân đội nữa, CNN đưa tin ngày 16/12.

8 hình phạt

Zhang đối diện tổng cộng 8 hình phạt, bao gồm: bị cấm đi máy bay, xe lửa, xe buýt đường dài ở Trung Quốc, cấm đi nước ngoài trong 2 năm; cấm mua bất động sản; cấm vay tiền; cấm mua bảo hiểm; cấm thành lập doanh nghiệp; cấm học ở trường cấp 3, cao đẳng hoặc đại học. Anh này còn bị cấm vĩnh viễn không được làm công chức, viên chức, nhân viên doanh nghiệp nhà nước, làm công nhân thời vụ cũng không được.

Zhang cũng đối mặt mức phạt tiền 4.000 USD,  đồng thời phải bồi thường cho quân đội 3.750 USD chi phí phát sinh trong thời gian tại ngũ ngắn ngủi, gồm kiểm tra về trình độ chính trị, y tế, đi lại, sinh hoạt, quần áo, chăn màn.

Ngoài ra, Zhang sẽ bị bêu riếu - các hành động và hình phạt dành cho anh này sẽ “được công bố cho xã hội biết thông qua các mạng lưới, truyền hình, báo và truyền thông xã hội”, website tiếng Anh của PLA viết. Rõ ràng, câu chuyện về Zhang trên website này là một dạng bêu riếu rồi.

“Bêu gương”

Trường hợp của Zhang không nhiều nhưng không phải quá hiếm. Theo tìm hiểu của CNN trên truyền thông Trung Quốc, vài năm qua có vài chục cựu binh sĩ bị bêu gương và các hình phạt được đề cập trong luật của nước này.

Bắc Kinh có thể sử dụng trường hợp Zhang “để bêu gương theo cách để nhiều người trong xã hội biết tới”, Adam Ni, nhà nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Macquarie (Úc), nhận định.

Theo ông Ni, PLA một mặt cần đưa ra hình ảnh đẹp đẽ về quân đội, mặt khác cần răn đe, phòng ngừa những thứ họ cho là lối cư xử tồi tệ, không tuân lệnh, cứng đầu.

Trung Quốc đang hiện đại hoá quân đội nên ưu tiên tuyển quân có trình độ học vấn cao, thay vì cựu học sinh ở các vùng quê nghèo, nhưng thanh niên nước này vẫn không thích làm quân nhân chuyên nghiệp.

Trong Báo cáo Sức mạnh Trung Quốc năm 2019, Cục Tình báo quốc phòng Mỹ nhận định: “Nhập ngũ vẫn sẽ là lựa chọn nghề nghiệp kém hấp dẫn nếu kinh tế Trung Quốc vẫn mạnh”. Theo cơ quan này, Bắc Kinh muốn “xây dựng nhân lực quân sự kiểu mới để giữ chân nhân tài và phát triển lực lượng có thể đáp ứng nhu cầu dữ liệu của chiến tranh hiện đại”.

Hồi tháng 7, Xinhua đưa tin, PLA thích tuyển mộ sinh viên cao đẳng, đại học và cử nhân. Nhưng ông Ni nói rằng, ngay cả những tân binh có học vấn cao cũng đối mặt binh nghiệp khó khăn, đòi hỏi nhiều thể lực và phải chấp nhận nhiều thiệt thòi về tâm lý, tình cảm.

Đối với hầu hết thanh niên Trung Quốc, “PLA không phải là nơi tốt để làm việc”, ông Ni nói và rõ ràng Zhang đồng ý với nhận định này.

Quân đội Trung Quốc hiện đại không phải là cuộc sống Zhang mong muốn, China Military Online đưa tin.

Sau khi nhập ngũ hồi tháng 9, Zhang quyết định rời bỏ quân ngũ. Cuối tháng 11, anh này bị loại khỏi PLA.

“Zhang Moukang không thể thích nghi với đời quân ngũ vì sợ cực khổ và yếu đuối. Dù quân đội liên tục hô hào, động viên, anh ta vẫn đòi xuất ngũ”, website của PLA viết.

Minh tinh Trung Quốc Dương Mịch tham gia chương trình truyền hình thực tế về huấn luyện quân sự do Đài Truyền hình Hồ Nam sản xuất với sự hợp tác của hãng phim thuộc PLA và Không quân Trung Quốc. Ảnh: China Daily.