Trên chốt tiền tiêu
Một sớm đầu năm 2013, trong cái rét đến tê người trên biên ải xứ Lạng, tôi và hai đồng nghiệp của Báo Quân đội nhân dân lần đầu tới điểm cao 424 của đồn Chi Ma. Sau khi cuốc bộ gần một cây số trên đoạn dốc cao gồ ghề, trơn trượt, căn nhà nhỏ đơn sơ - đại bản doanh của tổ công tác chốt giữ trên điểm cao lịch sử hiện ra trong sương mù dày đặc, ẩm ướt.
Ngược dòng thời gian, điểm cao 424 là một trong những nơi giao tranh khốc liệt trong cuộc chiến bảo vệ biên giới năm 1979. Cuốn lịch sử Đồn Biên phòng Chi Ma ghi rõ: Sáng ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc đánh vào chốt Pò Hua Cầu và chốt 424 của đồn. Trong trận đánh quyết tử không cân sức bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng, 11 người của ta đã anh dũng hy sinh, còn lại 4 người phá vòng vây trở về đơn vị an toàn. Tàn cuộc chiến, Nhà bia tưởng niệm 11 liệt sĩ được dựng lên tại nơi các anh đã ngã xuống, và xung quanh vẫn còn những hầm hào lưu dấu tích một thời đạn bom…
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, thiếu tá An- người phụ trách chốt 424 năm ấy, trầm ngâm kể: Trên này mùa đông lạnh thấu xương. Còn về mùa sương hầu như chẳng mấy khi anh em trên chốt có bộ quần áo khô để mặc. Khổ nhất là những hôm trời mưa, đường hào ẩm ướt nên rất dễ trượt ngã. Ngoài ra, quanh khu vực này còn sót lại vật nổ từ thời chiến tranh nên việc di chuyển luôn phải cẩn thận. Địa hình khó khăn nên mỗi sáng sớm, chốt lại cử một người xuống đồn để nhận thực phẩm, công văn, giấy tờ…
Không ít lần, tôi đã được trải nghiệm cảm giác “gai” người khi bị vắt cắn trong lúc cùng anh em lính biên phòng “mò mẫm” xuyên qua các vạt rừng ẩm thấp luôn có rắn rết, bọ cạp ẩn nấp…
Là một trong những cao điểm trọng yếu, chốt 424 có ý nghĩa đặc biệt về quân sự. Từ đây, bằng các phương tiện kỹ thuật chuyên dụng, người lính biên phòng có thể quan sát tình hình nội, ngoại biên 24/24 giờ, kịp thời báo cáo về Sở chỉ huy những thông tin quan trọng. Rất nhiều lần trong các chuyến công tác tới biên giới, những cuộc chuyện với cánh lính biên cương, họ đều khẳng định với tôi rằng, nếu như người lính Hải quân luôn tâm niệm “người còn, biển đảo còn” thì cương thổ thiêng liêng cũng không thể mất nếu người lính quân hàm xanh còn trụ vững.
Gian nan tuần tra
Để bảo vệ chủ quyền và kiểm soát tình hình an ninh trật tự trên đường biên giới dài hàng nghìn km, hơn 400 đồn biên phòng đã được bố trí hợp lý trên cả ba tuyến biên giới giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia cùng một số đồn nội địa được coi là khu vực biên giới.
Những chuyến đi viết về lính biên giới, mỗi lần tôi xin đi cùng tổ tuần tra ban ngày thì được chỉ huy các đồn “phê duyệt” ngay và các anh còn nói vui “Cho nhà báo tha hồ khám phá, chụp ảnh biên cương, về cấm kêu đau chân nhé!”. Thế là vai đeo túi máy ảnh, tôi lẽo đẽo theo sau đội hình tuần tra mang súng K54, AK, dùi cui, ống nhòm và do chỉ huy Đội vũ trang của đồn đảm trách đi tầm soát từng khu vực cột mốc, đường mòn, lối mở.
Nhiều bữa ham chụp ảnh, tôi leo thoăn thoát qua các mỏm đá tai mèo nhọn hoắt lên cột mốc chủ quyền cheo leo trên núi. Đến khi chụp xong, chuẩn bị hành quân về đồn mới cảm giác hai bắp chân xụi xuống, mỏi dừ. Khi ấy, chỉ huy đội hình cười xòa rồi phân công các chiến sĩ cầm giúp máy ảnh và “kèm chặt nhà báo, kẻo ngã”. “Khi đi hăm hở, khi về… bóp chân”, cả tối hôm ấy, theo lệnh của Đồn trưởng, tôi được quân y đồn chăm sóc đặc biệt, để “nhà báo có sức khỏe còn đi đồn khác tác nghiệp”.
Ấy là tuần tra ngày, còn tuần tra đêm thì khó hơn bởi những lý do cần giữ bí mật và có thể rủi ro, nguy hiểm hơn rất nhiều. Sau nhiều lần “vật nài”, giữa năm 2014, tôi được toại nguyện. Hôm ấy, trong bữa cơm chiều, chỉ huy một đồn biên phòng trên tuyến biên giới Việt - Trung “bật mí” sẽ có một cuộc tuần tra đặc biệt. Trước sự hiếu kỳ vốn có của dân báo, tôi nài nỉ xin đi cùng. Sau khi hội ý kỹ với hai đội trưởng Đội vũ trang và Đội phòng chống ma túy và tội phạm, chỉ huy đồn mới đồng ý và giao nhiệm vụ cho tổ tuần tra lên phương án bảo đảm an toàn cao nhất.
Thế nhưng, tôi chỉ được đi cùng đội hình một đoạn đường. Khi còn cách biên giới chừng hơn một cây số, Đội trưởng Đội vũ trang ghé vào tai tôi nói nhỏ, dứt khoát: “Nhà báo ở lại đây nhé. Không thể tiến thêm được, rất nguy hiểm”. Và anh ngoắc tay cho một thành viên Đội vũ trang khoác AK ở lại cùng tôi, trong khi cả đội hình tuần tra sải bước lặng lẽ, lẩn khuất vào vạt rừng đen thẫm.
Giữa không gian hoang vu xen lẫn tiếng côn trùng, ếch nhái, gần hai giờ đồng hồ đợi chờ trong sương giá biên thùy trong tôi có nhiều cảm xúc khó tả. Bên cạnh tôi, người lính biên phòng chừng 25 tuổi luôn cảnh giác quan sát xung quanh và đau đáu hướng về phía đồng đội di chuyển ban nãy. Bất chợt, bộ đàm trên tay anh vang lên tiếng đội trưởng: “Chuẩn bị thu quân”. Ít phút sau, tiếng bước chân của đội hình quay trở về dẫm trên lá rừng đã nghe lách tách. Trong ánh đèn pin nhoang nhoáng giờ mới được bật lên, tôi vội quan sát thấy quân phục họ ướt đẫm sương đêm…
Tôi vẫn mãi nhớ tâm sự của thiếu tá An ở chốt 424 vào năm 2013: “Ngày nào cũng đứng trên này nhìn xuống, thấy mình chỉ cách trung tâm khu kinh tế Cửa khẩu Chi Ma một tầm tay với. Qua ống nhòm có thể nhìn rõ đồng đội đang làm nhiệm vụ bên dưới. Dù một tháng mới được về thăm nhà, thậm chí vài ba tháng tùy theo tình hình, nhưng anh em luôn động viên nhau đoàn kết, cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ”.