Trận cầu kinh điển: Real 11-1 Barca, nơi khởi nguồn sự hận thù

Mỗi khi Siêu kinh điển diễn ra, đất nước Tây Ban Nha như thể chia làm đôi, nửa cổ vũ Barcelona và nửa ủng hộ Real Madrid, hai trong số những đội bóng giàu truyền thống và hùng mạnh bậc nhất châu Âu.

Đó là trận đấu mà một bên đại diện cho khao khát độc lập tự chủ của xứ Catalan, một bên đại diện cho Hoàng gia, cho giai cấp thống trị tại xứ Castilla. Tuy nhiên, sự kình địch giữa Real và Barca ấy bắt đầu từ đâu là điều không ít người thắc mắc. Và lời giải đáp nằm ở trận Siêu kinh điển có cách biệt lớn nhất trong lịch sử diễn ra hơn nửa thế kỷ trước.

Barca thắng nhờ trọng tài thiên vị


Real lần đầu chạm trán Barca vào năm 1902, trận đó đội bóng xứ Catalan giành chiến thắng với tỉ số 3-1. Dù vậy suốt 30 năm liền kể từ lần chạm trán đầu tiên ấy, Real không xem Barca là đối thủ lớn nhất. Cái gai trong mắt đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha là láng giềng Atletico Madrid. Mãi đến mùa giải 1941/42, lịch sử mới chứng kiến một khúc cua định mệnh.

Ở trận lượt đi bán kết Cúp Thống chế, tiền thân Cúp Nhà vua ngày nay, người Catalan luôn khao khát độc lập đón tiếp đội bóng đại diện cho chính phủ độc tài Franco bằng tất cả sự thù địch trên sân nhà Les Corts. Lúc ấy, các cầu thủ Real bước vào sân trong cơn mưa đồng xu, chai lọ và những tiếng la ó.

Người Catalan luôn khao khát độc lập.

Không những vậy, bởi sức ép khủng khiếp từ khán đài, thậm chí là cả sự dọa dẫm lấy đi tính mạng từ đám đông hung hãn CĐV chủ nhà, trọng tài Jose Fombona đã xử ép Real trắng trợn. Ông vua áo đen này công nhận một bàn thắng không rõ ràng, thổi một quả phạt đền tưởng tượng cho Barca và cất còi kết thúc hiệp 1 đúng vào lúc cầu thủ đội khách tung cú sút. 

Kết quả đội bóng xứ Catalan giành chiến thắng với tỉ số 3-0 và xem như đặt một chân vào chung kết. Nhưng trong lúc những cule đang ăn mừng và mơ về chức vô địch, người Madrid âm thầm chuẩn bị cho một màn báo thù ghê rợn nhất lịch sử bóng đá thế giới.

Màn trả thù ghê rợn của người Madrid

Trước thời điểm diễn ra trận lượt về, chính phủ Franco ban bố lệnh cấm CĐV Barca đến sân Chamartin, sân cũ của Real, để theo dõi trận đấu. Như vậy, hơn hai vạn chỗ ngồi trên khán đài đều thuộc về những Madridista đang sôi sục lửa căm hờn.

Và ngày 19/6/1943, người Madrid đón chiếc xe chở đoàn quân xứ Catalan đến sân Chamartin bằng gạch và đá. Kính vỡ và chiếc xe méo mó. Nhưng đó mới chỉ là màn dạo đầu, những gì khủng khiếp nhất chỉ đến ở trong sân.

Chảo lửa Chamartin.

Josep Valle, cầu thủ khoác áo Barca thời bấy giờ kể lại: “Bầu không khí thật khủng khiếp. Chúng tôi ra sân trong những tiếng la ó đinh tai nhức óc và huấn luyện viên bảo rằng chúng tôi sẽ thua”.

Khi trận đấu bắt đầu, một cơ mưa đồng xu và sỏi hướng về phía cầu thủ Barca, đến nỗi thủ môn Lluis Miro không dám đứng gần khung thành. Rồi những tiếng la ó “Lũ khốn”, “Bọn chó đẻ” vang vọng khắp khán đài. Barca thật chẳng khác nào một tên nô lệ bước vào cuộc chiến sinh tử trên Đấu trường La Mã.

Đứng giữa chảo lửa ấy, những cầu thủ xứ Catalan thật sự choáng váng. Sau 30 phút đầu trận, đội bóng xứ Catalan bị dẫn 2-0 và đến khi hiệp 1 kết thúc, tỉ số là…8-0. Vào giờ nghỉ giữa hai hiệp, những cầu thủ Barca ngồi thẫn thờ trong cơn hoảng loạn mà quên mất đã đến lúc ra sân trở lại. Và một biến cố nữa lại đến mà sau này đã tạo ra rất nhiều tranh cãi cũng như có không ít giai thoại biến thể. 

Real đánh bại Barca với tỉ số 11-1.

Mãi đến năm 2000, Valle và Francesc Calvet mới vén bức màn lịch sử khi trả lời phỏng vấn trên tờ La Vanguardia: “Lúc chúng tôi đang ngồi trong phòng thay đồ, một viên đại tá bước vào và nói chúng tôi hoặc ra sân hoặc vào tù, chúng tôi im lặng bước ra sân tiếp tục cuộc hành xác”.

Trận đấu này kết thúc với tỉ số 11-1, khoảng cách lớn nhất lịch sử Siêu kinh điển và gấp đôi “bàn tay nhỏ”. Chung cuộc, Real đánh bại Barca với tỉ số 11-4 và bước vào trận chung kết.

Sau trận đấu, tờ Marca lập tức giật tít “Chiến thắng phi thường của người Madrid” ngay trên trang nhất một cách đầy kiêu hãnh và tự hào. Tuy nhiên, người Catalan lại xem đấy là trận đấu nhơ nhuốc nhất trong lịch sử và trút mọi sự tức giận lên chủ tịch Barca thời bấy giờ, Enrique Pineyro Queralt, người có tư tưởng ủng hộ chế độ Franco.  Kết cục là ông này đã phải từ chức.

Và cũng kể từ đó, Real và Barca mãi không đội chung một trời.

Theo Theo Bóng đá +