Hưng Yên: Tiếp nhận 12 dự án đầu tư mới
Ông Vũ Quang Thắng, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Hưng Yên cho biết, trong quý I năm nay, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận được 12 dự án đầu tư mới, tăng 50 % so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 6 dự án có vốn đầu tư nước ngoài và 6 dự án có vốn đầu tư trong nước.
Các dự án đầu tư mới tập trung vào ngành nghề, lĩnh vực như: Cơ khí chế tạo, sản xuất, lắp ráp linh kiện điện, điện tử, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 21,6 triệu USD và 334 tỷ đồng. Ngoài ra, tăng vốn đầu tư cho 9 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng là 111,2 triệu USD và 15 tỷ đồng.
“Các dự án được đầu tư, mở rộng nên nhu cầu đất, mặt bằng cho thuê lại của các KCN cũng tăng cao. Trong quý I, toàn tỉnh tăng thêm 4,8 ha, nâng tổng diện tích đất công nghiệp cho thuê lại tăng lên 850 ha. Bất động sản KCN của tỉnh cũng sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới”, ông Thắng cho hay.
Ông Vũ Quang Thắng cho biết thêm, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng các KCN như Thăng Long II giai đoạn 3 lên 550 ha, Yên Mỹ II…; đồng thời hoàn thiện hồ sơ bổ sung quy hoạch KCN Đô thị và dịch vụ Lý Thường Kiệt; đôn đốc, hỗ trợ chủ đầu tư về hạ tầng ở các KCN Phố Nối A, KCN Minh Đức, KCN Minh Quang…; đẩy nhanh tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng, bàn giao đất và đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật KCN, tạo điều kiện thuận lợi sẵn sàng đón “sóng” đầu tư vào các KCN trong thời gian tới.
Vĩnh Phúc: Ðề xuất mở rộng các KCN
Ông Bùi Minh Hồng, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, 4 tháng đầu năm 2020, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 8 dự án FDI mới và 9 lượt tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 72 triệu USD, trong đó vốn cấp mới đạt 24,6 triệu USD và vốn tăng thêm đạt 47 triệu USD…
Trong tháng 5, đơn vị cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 15-20 triệu USD và 1 dự án DDI (đầu tư trực tiếp trong nước) với số vốn đầu tư đăng ký khoảng 110 tỷ đồng.
“Nhu cầu về quỹ đất, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, nhà kho…của các DN đang khá lớn. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển các KCN, cụm công nghiệp theo chuỗi giá trị để tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên và giảm bớt chi phí cũng là hướng đi trong thời gian tới”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cho biết, Ban Quản lý các KCN đã đề xuất UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo thực hiện lập quy hoạch và mở rộng các KCN. Trong đó, lập chi tiết 1/500 KCN Khai Quang; triển khai dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Bá Thiện - phân khu I; bồi thường, giải phóng nhanh mặt bằng KCN Chấn Hưng và KCN Tam Dương II - khu B.
Bắc Giang: Gấp rút mở thêm KCN
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Hiện, tỉnh có 6 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.322ha (5 KCN tỷ lệ lấp đầy trên 80%). Bên cạnh đó, Bắc Giang còn có 40 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 1.258ha.
Cũng theo ông Thái, tỉnh đang gấp rút hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch 2 KCN ở huyện Yên Dũng và Lục Nam, với tổng diện tích khoảng 1.380ha. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bắc Giang tập trung triển khai ngay để sẵn sàng mặt bằng đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư thời gian tới. “Chúng tôi xác định, công nghiệp sẽ vẫn là động lực chính cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư trong giai đoạn này đến năm 2030”, ông Thái nói.
Ông Thái cho biết thêm, thời gian qua, một số doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Giang vi phạm các quy định về đầu tư, đất đai, môi trường. Tỉnh Bắc Giang kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che, dung túng hoặc hợp thức hóa các sai phạm này. “Tỉnh cũng sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp khắc phục vi phạm và có cơ hội tiếp tục đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật”, ông Thái chia sẻ.