Chiều 16/8, huyện Thới Bình (Cà Mau) tổ chức Hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện Chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thuỷ sản toàn cầu - GAA) về tôm - lúa, tại xã Biển Bạch Đông.
Đây cũng là chứng nhận quốc tế thứ 2 (sau ASC) tại vùng chuyên canh tôm - lúa Cà Mau, chứng nhận đầu tiên của Việt Nam về BAP cho tôm nuôi.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình - cho biết, huyện đang phát triển mô hình lúa - tôm, đặc biệt xen canh lúa kết hợp nuôi tôm càng xanh và lúa kết hợp nuôi tôm sú. Mô hình lúa - tôm được đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.
Theo ông Bạo, ngày 31/7, GAA đã hoàn thành việc xác nhận thực hiện chứng nhận BAP cho các hộ thực hiện mô hình nuôi tôm - lúa trên địa bàn xã Biển Bạch Đông. Mô hình có 231 hộ dân thực hiện, trên diện tích gần 700ha, với 296 ao nuôi kết hợp trồng lúa.
“Có chứng nhận BAP, các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ được giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững, giảm tác động tiêu cực môi trường, mở ra thị trường tiêu thụ cho nuôi tôm xen canh”, ông Bạo nói.
Sau khi có chứng nhận BAP, các nông hộ nuôi tôm xen canh được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, thu mua toàn bộ tôm với giá cao hơn thị trường. Từ đây người nông dân không còn phải lo đầu ra.
Ông Nguyễn Văn Thương (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) cho biết, hiện có hơn 3ha canh tác xen canh lúa - tôm, nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm. “So với mô hình truyền thống, mô hình tôm - lúa đạt chứng nhận BAP sẽ bán được giá cao hơn, được hỗ trợ tập huấn, kỹ thuật và men vi sinh. Nông dân rất phấn khởi khi con tôm của mình đạt chứng nhận quốc tế”, ông Thương nói.
Tham gia mô hình tôm - lúa theo chứng nhận BAP được hơn 2,5 năm, ông Võ Văn Được (xã Biển Bạch Đông) cho biết, trước đây nuôi tôm - lúa theo cách truyền thống, mỗi năm chỉ thu 2-3 triệu đồng tiền bán tôm. Từ ngày tham gia mô hình mới để đạt chứng nhận BAP, gia đình ông Được thu về 70-80 triệu đồng mỗi vụ nuôi.