TKV và bài toán tăng sản lượng

Vào thời điểm này năm ngoái, TKV tồn kho gần 10 triệu tấn than, nhưng năm nay số than tồn chỉ còn khoảng 4 triệu tấn. Đây là nguồn dự phòng quan trọng cho các hộ tiêu thụ, đặc biệt là các hộ sản xuất điện nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, trong khi sức ép cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện thời gian gần đây đang gây áp lực tăng sản lượng của TKV.
Áp dụng cơ giới hoá tại Công ty CP than Hà Lầm.

Đầu năm 2018, TKV đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ than là 36 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho sản xuất điện là 26,5 triệu tấn. Tuy nhiên, thực tế nhu cầu tiêu thụ than của các nhà máy nhiệt điện tăng so với hợp đồng đã ký kết, (tăng 5,4 triệu tấn than so với 2017). Nguyên nhân là do tăng trưởng điện năm nay đạt mức cao, trong khi thủy điện và nhiệt điện khí giảm huy động nên nhu cầu nhiệt điện than tăng mạnh.

Bên cạnh đó, năm nay thị trường tiêu thụ than có nhiều thay đổi, giá than thế giới cao hơn so với than sản xuất trong nước từ 5-10USD/tấn tùy chủng loại, nên các hộ tiêu thụ như: Điện, xi măng, hoá chất, thép, chuyển sang mua than từ TKV dẫn đến cung cầu thay đổi nhanh. Nhu cầu tăng đột biến này đã gây ra rất nhiều khó khăn cho TKV trong việc tổ chức sản xuất, chế biến và huy động nguồn than để cung cấp, nhất là trong thời gian qua điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi.

Để đáp ứng nhu cầu than tiêu thụ tăng mạnh, TKV đã triển khai nhiều giải pháp như: Huy động tối đa than tồn kho, bao gồm cả than dự trữ chiến lược, nhập khẩu hơn 0,5 triệu tấn than các loại để pha trộn và cung cấp cho các hộ tiêu thụ, trong đó đặc biệt là Nhiệt điện Thái Bình 1. Trong năm nay, TKV đã ba lần điều chỉnh kế hoạch tăng sản lượng từ 36 triệu tấn lên 40 triệu tấn; tổ chức phát động thi đua, đôn đốc thực hiện tăng sản lượng khai thác như phát động đợt thi đua 90 ngày đêm sản xuất và tiêu thụ than quý IV/2018.

Kết quả, trong 11 tháng năm 2018, than tiêu thụ của TKV đạt 37,39 triệu tấn, bằng 103,9% kế hoạch (đạt 95,9% kế hoạch điều chỉnh) và bằng 117% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thực hiện cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện đạt 26,9 triệu tấn, vượt kế hoạch cả năm (103%) và bằng 126% so với cùng kỳ năm 2017. Dự kiến sản lượng than tiêu thụ của TKV năm 2018 là 40 triệu tấn, tăng 4 triệu tấn so với kế hoạch đầu năm và tăng 4,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, than cho nhiệt điện là 29 triệu tấn, tăng 5,4 triệu tấn so với thực hiện năm 2017 (tương đương với sản lượng của 3 mỏ than).

Dự báo, nhu cầu tiêu thụ than của các hộ sử dụng trong nước năm 2019 đối với nguồn than do TKV cung cấp sẽ tiếp tục tăng cao, chỉ riêng nhu cầu than cho các hộ sản xuất điện là 38,3 triệu tấn.

Căn cứ tình hình nhu cầu của các hộ khách hàng và tình hình tiêu thụ than trong năm 2018, trên cơ sở năng lực sản xuất, chế biến của mình, TKV dự kiến kế hoạch tiêu thụ than năm 2019 là 40 triệu tấn, trong đó than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện là 31,9 triệu tấn, ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết. Năm 2019, TKV xây dựng kế hoạch sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, chế biến 36 triệu tấn than sạch. Phần thiếu hụt, TKV sẽ nhập khẩu để pha trộn với than sản xuất trong nước thành than đảm bảo tiêu chuẩn để cung cấp cho các hộ tiêu thụ.

Bên cạnh mục tiêu cho năm 2019, theo quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 14/3/2016, sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành khoảng 47-50 triệu tấn vào năm 2020, năm 2030 đạt từ 55-57 triệu tấn. Đây là thách thức không nhỏ với ngành than, đặc biệt là vấn đề ưu tiên đảm bảo nguồn cung cấp ổn định, lâu dài với số lượng lớn than cho sản xuất điện.

Để thực hiện nhiệm vụ chiến lược đó cũng như chủ động sẵn sàng tăng cao sản lượng, đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong những năm tới, TKV chỉ đạo các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng mỏ mới, các dự án mở rộng sản xuất; tiếp tục tăng cường tư vấn, nghiên cứu, hiện đại hóa các mỏ than, từng bước nâng cao năng lực khai thác than hầm lò; đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, nhằm nâng cao mức độ bảo đảm an toàn lao động và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.