Tỉnh - thức... sau từng cơn bão

TP - Việt Nam đã đi qua 4 cơn bão COVID-19 với nhiều mất mát. Quý 3/2021, nền kinh tế lần đầu tiên sau nhiều năm chịu mức tăng trưởng quý âm 6,17%. COVID-19 không chỉ tàn phá nền kinh tế mà còn đẩy một bộ phận người dân vào cảnh liêu xiêu, đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình thế khốn khó, thậm chí chết lâm sàng hay đường cùng phá sản…Tỉnh thức sau bão, cộng đồng doanh nghiệp phải làm gì?
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan dây chuyền lắp ráp bảng mạch điện thoại của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên Ảnh: Đoàn Bắc

Một điểm hỗ trợ tiêu thụ nông sản Hải Dương tại trụ sở Liên minh HTX thành phố Hà Nội (số 217 Trần Phú, Hà Đông)

Đối mặt

Tháng 4/2021, Việt Nam đối phó với làn sóng COVID -19. Điều bất ngờ, cơn bão lần thứ 4 này có sức tàn phá ghê gớm hơn dự đoán ban đầu. Sau tỉnh Bắc Giang trở thành tâm điểm của dịch với số ca lây nhiễm cao tại khu công nghiệp (khiến cả Chính phủ cùng các tỉnh thành phải gấp rút chi viện hỗ trợ), lốc COVID không dừng lại mà tiếp tục đổ vào quần thảo TPHCM và 19 tỉnh phía Nam. Sức tàn phá của COVID-19 quả đáng sợ khi các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hoá liên tục đứt gãy, 19 tỉnh thành gấp rút lên phương án kịch bản phòng chống dịch trong lúc TP HCM từng có lúc “tê liệt” vì tốc độ lây lan của dịch quá nhanh và nguy hiểm.

Trong đại dịch, đã có nhiều DN dịch chuyển theo xu hướng tự động hóa và kinh tế số Ảnh: Như Ý

Hỏi hàng chục triệu người dân và giới doanh nghiệp khi bão “thổi thẳng vào mặt” thời điểm đó nghĩ gì? Khi ấy, chủ doanh nghiệp quay cuồng với phương án phòng chống dịch, gấp rút xây dựng kịch bản 3 tại chỗ cho công nhân “ăn- ngủ nghỉ- làm việc” thế nào để đảm bảo sản xuất vẫn được duy trì, các đơn hàng không bị gián đoạn. Người lao động phải thực hiện giãn cách hoặc làm việc tại nhà, làm việc tại doanh nghiệp, làm việc trực tuyến. “Đó là quãng thời gian áp lực kinh khủng khi chúng tôi phải vừa lo cho công nhân, vừa lo duy trì sản xuất và lo phòng chống dịch tuân thủ các quy định của Chính phủ”, phụ trách nhân sự của một Tập đoàn doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam cho biết.

Trong đại dịch, đã có nhiều DN dịch chuyển theo xu hướng tự động hóa và kinh tế số Ảnh: Như Ý

Thời điểm bão táp nhất, tại TP HCM và 19 tỉnh thành, chúng ta chứng kiến sự đứng hình, trì trệ của nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ. Doanh nghiệp lớn “khóc” vì đơn hàng không đi được, không đủ nhân công đáp ứng hợp đồng; doanh nghiệp nhỏ và vừa thì than trời bởi hoạt động cầm chừng, không có doanh thu, cạn dòng tiền. Tất cả chi phí thuê văn phòng, vận hành, trả lương tất cả đều dồn gánh nặng lên vai chủ doanh nghiệp. Đại dịch khiến người ta cảm nhận được tận cùng sự khốn khó, lâm nguy của doanh nghiệp. Đại dịch cũng cho họ thấu hiểu thế nào là sự chủ động chống đỡ, tâm thế phải đối mặt nếu muốn vượt qua…

Chống chịu

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2021, có 70.200 DN trên cả nước phải tạm dừng kinh doanh có thời hạn, dừng hoạt động để chờ thực hiện thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này cho thấy sức tàn phá khủng khiếp của dịch bệnh tác động đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, đặc biệt là các giải pháp về thuế, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng dường như chính sách giãn, giảm thuế hiện vẫn chưa đủ. Đã bắt đầu xuất hiện nhiều tiếng kêu cứu từ các doanh nghiệp, ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…

Một khảo sát nhanh của các sở, ngành, hiệp hội của TP. Hà Nội đối với khoảng 1.500 doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy, tác động của đại dịch đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế, khó khăn mà các doanh nghiệp trên địa bàn đang phải đối mặt là nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng ảnh hưởng dây chuyền từ các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo, có tác động lan tỏa đến các ngành dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, logistic... Ở lĩnh vực vận tải, logistic, nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa sụt giảm lần lượt là 30% và 10% so với trước khi có dịch, trong khi đó các thủ tục để vận chuyển hành khách và hàng hóa tăng lên dẫn đến các chi phí phát sinh cũng tăng lên. Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh cũng chỉ đạt 47% so với cùng kỳ năm trước.

Thời điểm bão táp, nước mắt doanh nghiệp đã rơi. Một cô chủ chuỗi 3 phòng vé máy bay và du lịch tại Sài Gòn phải gạt lệ khóc ròng và chấp nhận một thực tế nghiệt ngã phá sản sau 3 năm khởi nghiệp thành công. Đại dịch đã đẩy một doanh nghiệp non trẻ từ đang ăn nên làm ra vào cảnh “nợ nần”, thậm chí phải “đắng lòng” bán đi mảnh đất duy nhất để trả nợ vẫn không đủ. Một ông chủ khách sạn đình đám tại Nha Trang ( Khánh Hoà) hơn một lần than khóc thậm chí còn viết đơn thư lên Thủ tướng và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước để xin giãn, hoãn nợ bởi không ngờ bản thân doanh nghiệp vốn có thời được xem là triệu phú nay đã trở thành “con nợ” lớn của ngân hàng với nguy cơ bị COVID- 19 thổi bay tài sản. Không còn chịu nổi cảnh gồng mình lo trả lãi, nuôi hệ thống ròng rã cả năm trời, ông từng than và xin cho ông cũng như những doanh nghiệp đang cùng tình cảnh cơ hội giữ lại chút ít tài sản gom góp cả một đời.

4 tháng qua, cộng đồng doanh nghiệp “vật lộn” trong cuồng phong đại dịch và phải tìm mọi cách để sinh tồn. Dù đơn hàng có doanh nghiệp nhận được nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng hàng loạt khó khăn vẫn đang chực chờ khi giá thành của sản phẩm bị đẩy lên rất cao vì nguyên liệu đầu vào tăng 30-80%, công vận chuyển hàng hóa tăng 20-30%, lương cho người lao động tăng khoảng 10%. Trong khi sản phẩm làm ra giá bán có khi giảm hoặc chỉ tăng nhẹ. Không ít DN đối mặt với việc thua lỗ với những đơn hàng ký dài hạn; thậm chí chỉ một vài đơn hàng rủi ro cũng đủ đẩy họ vào tình cảnh phá sản bất cứ lúc nào.

Tại Đồng Nai, nói về sức chống chịu trong bão của doanh nghiệp, ông Dương Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Chăn nuôi Bình Minh (H.Trảng Bom) chia sẻ: “Giá nguyên liệu nhập khẩu, công vận chuyển tăng từ 50-80% khiến giá thành gà lông màu bị đẩy lên khoảng 40 ngàn đồng/kg, nhưng giá bán chỉ 26 ngàn đồng/kg. Vì thế, công ty đang chịu lỗ lớn và chưa tìm được cách để vượt qua, áp lực lắm”.

Thích ứng kinh tế số

Quãng tháng 8/2021, thời gian cao điểm của đợt giãn cách xã hội TPHCM, Hà Nội và nhiều địa phương, chưa bao giờ, bức tranh kinh tế của cả nước lại ảm đạm thế. Tuy nhiên, “lúc nan nguy nhất cũng là lúc mạnh mẽ nhất”.Trong đại dịch, cũng không ít doanh nghiệp đã vượt “khe cửa hẹp”, tìm ra giải pháp. Kinh tế số đang là cứu cánh.

Theo đó, đã có hàng ngàn các cuộc họp trực tuyến, hội nghị, hội thảo được kết nối qua nền tảng zoom với những phòng họp trên không gian ảo rộng thênh thang với sức chứa cùng lúc 500- 1.000 người. Đã xuất hiện hàng trăm hợp đồng, thương thảo công việc được kết nối qua email, thư điện tử, hợp đồng, chữ ký điện tử. Đã hình thành thói quen làm việc trực tuyến của rất nhiều cơ quan, công sở, các công ty lớn nhỏ. Dấu hiệu của kinh tế số cùng len lỏi vào việc tinh giản các thủ tục, các quy trình được vận dụng tối đa, nhiều đơn hàng hay hợp đồng ký kết được các doanh nghiệp đặc biệt khối công nghệ nhỏ và vừa “chốt” hoặc xác nhận qua các công cụ số. Thậm chí, còn xuất hiện xu hướng doanh nghiệp bỏ hẳn trụ sở sang trọng, co gọn lại thay bằng làm việc tại gia, quản trị bằng phần mềm văn phòng điện tử với hệ thống dữ liệu (data base) bài bản; quy trình chuẩn chỉ đã bắt đầu ngày một dày lên và lan rộng.

Chị Minh Thu, giám đốc Makerting làm việc tại một công ty phần mềm về bất động sản Hà Nội kể:“Suốt từ giữa tháng 7 đến nay, công ty tôi cơ bản làm việc giãn cách nhưng cả bộ máy vẫn chạy đều và sản phẩm vẫn ra. Thay vì phương thức bán hàng bất động sản truyền thống, chúng tôi thiết kế và ra mắt thị trường sản phẩm bất động sản trên nền tảng số để chủ đầu tư, người mua có thể gặp nhau ngay trên mạng. Rất mừng là đã có một số giao dịch thành công”. Anh Hoàng Điệp, sếp quản lý một nhà hàng có tiếng tại Hà Nội (Lang Liêu, Đường Thành) khoe, quãng thời gian giãn cách, anh và các đồng nghiệp đã mở một kênh YouTube dạy nấu ăn, làm nem, pha cà phê online, thậm chí làm cả tua du lịch online lên vùng cao Yên Bái cho khách nước ngoài thưởng thức. “Chúng tôi xác định phải thích ứng với cách làm việc trong thời gian giãn cách, đặc biệt phải có những sản phẩm số tương thích phục vụ nhu cầu của xã hội, khách hàng”, anh Điệp nói.

“Chưa năm nào, tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn nhiều so với tỷ lệ doanh nghiệp giải thể như năm nay. 94% doanh nghiệp trên cả nước đang gặp khó khăn vì dịch bệnh. Trong đó, tại 19 tỉnh thành phía Nam, 98,9% doanh nghiệp gặp khó khăn nặng nề, đặc biệt ở khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long”.

Ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp và Xây dựng (Tổng cục Thống kê)

Huy Nguyễn, phụ trách một công ty truyền thông kể lại hành trình xoay xở khi đại dịch khiến công ty mất mấy dự án với đối tác TPHCM, Huế, Hà Nội. “Phút chót có 1 sự kiện, bọn em cố thuyết phục đơn vị chủ trì không huỷ mà làm trên nền tảng trực tuyến. Rất may, sự kiện sản phẩm ra mắt thành công ngoài mong đợi và “kích hoạt” được người sử dụng tối đa ngay sau đó. “Bài học rút ra, đại dịch có thể gây khó chứ không thể chặn hẳn hoạt động của DN”, Huy Nguyễn đúc kết.

Thống kê thời gian qua, chỉ 2 năm sau đại dịch, số doanh nghiệp công nghệ hoặc hoạt động áp dụng công nghệ có xu hướng tăng vọt. Cho dù chỉ là một thị trường còn khiêm tốn khi GDP chạy qua kinh tế số chưa “đại nhảy vọt” nhưng nó đang chứng minh: Nền kinh tế sẽ thích nghi rất nhanh và doanh nghiệp, các định chế tài chính muốn sống sót, hay sống tốt, sống khỏe trong đại dịch, cần thích ứng linh hoạt.

Hồi sinh…

Trong vòng chưa đầy 2 năm, doanh nghiệp đã phải 4 lần trải qua cao điểm của các đợt chống chọi với đại dịch. Theo các chuyên gia, khi đại dịch lắng xuống, kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi, DN vượt qua được sóng gió sẽ có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã rút ra kết luận: điều mà tất cả các doanh nghiệp có thể làm tốt hơn là nhanh chóng đưa ra quyết định và hành động theo đó. Đại dịch buộc các doanh nghiệp phải suy nghĩ nhanh, hành động nhanh và bớt sợ hãi. Đó là điều tốt nhất.

Với các định chế tài chính lớn như chứng khoán, ngân hàng, đại dịch COVID -19 thậm chí trở thành cơ hội để họ thúc đẩy sự chuyển đổi diễn ra nhanh và mạnh hơn. Hơn 1 năm qua, các ngân hàng đều đua nhau ra các sản phẩm ứng dụng số để tranh thủ kéo tệp khách hàng sử dụng. Thanh toán số cũng lên ngôi khi lượng thanh toán qua internet banking, mobile banking tăng vọt, các công nghệ thanh toán Viet QR code, eKYC lên ngôi…

Trong hơn 1 năm xảy ra đại dịch, doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn các tỉnh thành đều gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, khi nhiều chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt đoạn do nhiều nhà máy phải tạm dừng hoạt động vì dịch bệnh. Nhưng dẫu vậy vẫn có những cơ hội để doanh nghiệp khai thác, vì có những mặt hàng nhu cầu tiêu thụ tăng lên. Có những doanh nghiệp hơn thế còn kịp thời nắm bắt được yêu cầu của thị trường, tham gia vào các chuỗi toàn cầu và từ đó, có cơ hội ổn định đồng thời mở rộng sản xuất. Thống kê từ thị trường chứng khoán, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết làm ăn có lãi 6 tháng đầu năm 2021 vẫn có xu hướng tăng.

Vậy, cần làm gì để cộng đồng doanh nghiệp nói chung, từng thực thể doanh nghiệp nói riêng sớm hồi sinh tỉnh thức sau đại dịch? Ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ DN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không nhất thiết phải là giảm thuế, giãn thuế, khoanh nợ cho tất cả các DN đang bị tác động bởi đại dịch mà quan trọng nhất là cần rà soát các chính sách của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực sự cởi trói nhằm kích thích DN phát triển trong hoàn cảnh thích ứng an toàn. Còn ông Đặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam nhìn nhận, để vừa hỗ trợ doanh nghiệp, vừa cân bằng lợi ích Nhà nước với lợi ích của DN, Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng cần tham khảo, nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới đang làm như: Miễn, giảm thuế, kéo dài thời gian chuyển lỗ hoặc giảm trừ chi phí khi tính thuế; miễn và hoàn thuế giá trị gia tăng…

Đến lúc này, các gói hỗ trợ “siêu tốc” của Chính phủ, tỉnh thành đều đã “bung” ra. Nhưng gói hỗ trợ xét đến cùng vẫn chỉ là công dụng “trợ thở” trong lúc nguy nan chứ không thể làm chỗ dựa dẫm hay đòn bẩy để doanh nghiệp trụ vững và phát triển. Điều cần làm hơn cả, là doanh nghiệp phải tự đứng dậy, tự tìm cách phục hồi, tự vận động trở lại, tìm kiếm đối tác, khách hàng, thị trường và cơ hội. “Tự cứu mình” sẽ luôn là cách làm khôn ngoan và vững bền nhất. “Lửa thử vàng, gian nan thử doanh nghiệp, bão táp sẽ qua, nay là lúc chúng ta cần bừng tỉnh và cùng tính cách làm thế nào để sớm hồi sinh nền kinh tế”- một chuyên gia kinh tế khẳng định.