> Có nên mạo hiểm gom vàng?
> Cấm xuất khẩu, thị trường vàng hết bị lũng đoạn?
> Vàng nội cao giá
Huy động qua đại lý
Thống đốc Nguyễn Văn Bình mới đây cho hay, NHNN đã trình và được Chính phủ đồng ý cho phép xây dựng chính sách huy động vàng trong dân. Về nguồn vàng trong dân, ông Bình ước tính khoảng từ 300 - 500 tấn. Dự kiến NHNN sẽ huy động vàng trong dân thông qua hệ thống đại lý của mình là các tổ chức tín dụng. Lượng vàng NHNN có thể huy động trong dân ít nhất cũng phải tương đương số vàng mà dân đã gửi vào hệ thống ngân hàng trước đây, trên dưới 130 tấn, tương đương 10 tỷ USD. Để triển khai đề án này còn cần nhiều vấn đề kỹ thuật cần xử lý, nhưng đề án này cùng với Nghị định quản lý thị trường vàng sẽ giúp đảm bảo tối đa quyền lợi người dân, bình ổn thị trường, tạo nguồn lực quốc gia.
Tuy Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chưa “hé lộ” chi tiết các biện pháp kỹ thuật để xử lý đầu vào- ra khi xây dựng đề án trên nhưng đã có một số hình thức được các chuyên gia và giới kinh doanh vàng nhắc tới. Nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối NHNN Trương Văn Phước (hiện là Tổng giám đốc Eximbank) khẳng định sẽ không có chuyện ngân hàng huy động xong để “cất vào kho”. Theo ông Phước, cách tốt nhất là ngân hàng thương mại huy động, sau đó NHNN vay lại để tăng dự trữ ngoại hối và can thiệp thị trường khi cần thiết. Việc sử dụng nguồn vàng này sẽ do NHNN tính toán. Theo đề xuất của ông Phước, có thể là đem hoán đổi với nước ngoài để lấy ngoại tệ.
Ông Đỗ Minh Phú, Tổng giám đốc Cty Vàng bạc đá quý Doji, Phó Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng thì cho rằng về kỹ thuật, để sử dụng nguồn vàng huy động có hiệu quả, NHNN phải có công cụ phòng ngừa rủi ro. Vì huy động vàng thì phải bán đi mà bán ra nếu không mua vào được có thể bị lỗ lớn khi giá vàng biến động. “Có thể sử dụng công cụ headding (cân bằng trạng thái mua vào- bán ra) thông qua kinh doanh vàng trên tài khoản. Vấn đề là NHNN sẽ giao cho ai quản lý”- ông Phú nói.
Về khả năng rủi ro khi kinh doanh vàng qua tài khoản? Ông Phú nhận định, nếu doanh nghiệp hay ngân hàng được cấp phép thực hiện nghiệp vụ này không quá chạy theo lợi nhuận thì với giao dịch trên tài khoản chỉ cần ký quỹ 10% giá trị của vàng cũng như lệnh đặt mua- bán được tiếp nhận tức thì, sẽ hạn chế được rủi ro.
Quay lại kinh doanh vàng trên tài khoản?
Liên quan đến việc huy động vàng trong dân, nghiên cứu sinh Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Manchester, Anh) vừa có bài viết trong đó lưu ý hai vấn đề cần làm rõ: Lãi suất huy động của NHTM sẽ được tính thế nào để hấp dẫn người gửi vàng? NHNN sẽ vay lại với lãi suất nào? Sau đó, nếu sử dụng nguồn này mà sinh lợi thấp hơn lãi suất phải trả cho người dân thì NHNN phải làm sao để bù đắp? Ông Tuấn cho rằng nếu thực hiện cơ chế này sẽ buộc NHNN phải đi làm kinh doanh, trong khi nhân sự NHNN không được trả lương thưởng dựa trên kết quả kinh doanh, thì làm sao đảm bảo hiệu quả?
Theo ông Tuấn, việc sử dụng vàng tài khoản thì không có gì khác tài khoản trên các sàn vàng trước đây, vấn đề chỉ là ở chỗ cần quản lý chặt. Khi đó, chỉ cần giới hạn những quy định về ký quỹ và minh bạch thêm thông tin trên sàn vàng thì sẽ hạn chế được việc lạm dụng dẫn đến thua lỗ trong dân như trước đây.
Một cựu giám đốc sàn vàng cho hay, dù đã bị Chính phủ đóng cửa nhưng thực tế, sàn vàng vẫn hoạt động chui. Đợt biến động vừa qua, nhà đầu tư vẫn “đánh” vàng trên tài khoản rất xôm. Huy động vàng trong dân thực ra là hình thức huy động vốn. Nhưng vốn đó biến động có rủi ro cũng như không sinh lời nếu không được mang nó ra kinh doanh. Do đó, NHNN sẽ phải tính đến việc đến việc mua bán vàng trên tài khoản, có thể sẽ không tràn lan mà tập trung vào một vài đầu mối ngân hàng thương mại hoặc doanh nghiệp. Như vậy, trên thực tế lại quay về thực hiện những gì đã cấm trước đây, chỉ có điều trước đây phát triển nóng thì bây giờ hoạt động ấy được quản lý chặt chẽ hơn mà thôi.
Nếu thực hiện cơ chế này sẽ buộc NHNN phải đi làm kinh doanh, trong khi nhân sự NHNN không được trả lương thưởng dựa trên kết quả kinh doanh, thì làm sao đảm bảo hiệu quả?
Nghiên cứu sinh Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Manchester, Anh)