KBNN đã mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu NSNN (tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán) của KBNN tại các NHTM tham gia thanh toán song phương điện tử hoặc thu qua thanh toán liên ngân hàng; đẩy mạnh phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN cho các NHTM với nhiều hình thức đa dạng ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt vi phạm hành chính), đặc biệt là ủy nhiệm thu bằng tiền mặt. Đồng thời, triển khai lắp đặt và sử dụng thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại các đơn vị KBNN để phục vụ thu NSNN.
Bên cạnh đó, hệ thống KBNN phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các NHTM triển khai dự án hiện đại hóa thu NSNN để chia sẻ dữ liệu thu và tổ chức phối hợp thu NSNN; xây dựng và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 để phục vụ các TTHC thuộc lĩnh vực KBNN, đặc biệt là các TTHC về chi NSNN; đồng thời, tích hợp các DVCTT của KBNN lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Nhằm hạn chế tiền mặt trong chi NSNN, KBNN đã phối hợp với NHNN và các NHTM khảo sát tình hình cung ứng dịch vụ tại từng địa bàn, báo cáo Bộ Tài chính ban hành các công văn hướng dẫn mở rộng địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho phù hợp với tình hình thực tế.
Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nhằm đẩy mạnh TTKDTM trong hệ thống KBNN đã góp phần làm tăng số tiền và tỷ trọng thu, chi bằng các hình thức TTKDTM so với tổng thu, chi qua KBNN. Số thu - chi qua KbNn được thực hiện bằng các hình thức TTKDTM chiếm tỷ lệ cao trong tổng thu - chi qua KBNN và có xu hướng tăng dần qua các năm. Đến năm 2020, số thu bằng hình thức TTKDTM đạt 99,4%, số chi bằng hình thức TTKDTM đạt 98,6%; đến năm 2021 số thu bằng hình thức TTKDTM đạt 99,6%, số chi bằng hình thức TTKDTM đạt 99,4%.
Trong việc triển khai DVCTT, đến hết năm 2020, 100% các ĐVSDNS thuộc đối tượng bắt buộc đã đăng ký tham gia DVCTT tại KBNN. Ngoài ra, KBNN đã khuyến khích được khoảng 5.000 đơn vị không thuộc đối tượng bắt buộc đăng ký tham gia. Hệ thống DVCTT của KBNN đã xử lý 24,4 triệu chứng từ thanh toán và 18,6 triệu hồ sơ KSC NSNN trong năm 2020; 32,9 triệu chứng từ thanh toán và 22,7 triệu hồ sơ KSC NSNN trong năm 2021, chiếm hơn 99,5% tổng chứng từ chi NSNN, tạo một bước cải cách vượt bậc trong phương thức giao dịch giữa ĐVSDNS và KBNN, góp phần quan trọng trong việc hình thành Kho bạc điện tử, hướng tới Kho bạc số.
Tính đến ngày 20/9/2022, KBNN đã triển khai phối hợp thu NSNN và Thanh toán song phương điện tử (TTSPĐT) với 15 hệ thống NHTM, tổng số tài khoản phục vụ thu NSNN của KBNN mở tại các NHTM là 2.045 tài khoản (trong đó: Văn phòng KBNN tỉnh là 411 tài khoản, KBNN huyện là 1.634 tài khoản), số lượng tài khoản thanh toán bằng VNĐ là 711 tài khoản, số lượng tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ là 61 tài khoản.
Đồng thời, hệ thống KBNN khuyến khích khách hàng thực hiện nộp qua POS tại các đơn vị KBNN, vận động các tổ chức, cá nhân có giao dịch với KBNN sử dụng các hình thức thu nộp điện tử như thu qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, qua các ứng dụng điện tử của các NHTM như internet-banking, mobile banking, ATM hoặc qua cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan...
Trong chi NSNN, công tác trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN được chuyển dần sang thanh toán bắt buộc qua tài khoản ngân hàng. Tính đến ngày 31/12/2021, số địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN là 1.819/10.429 địa bàn cấp xã, đạt tỷ lệ 16,9% (bao gồm 534 phường thuộc quận của 5 thành phố trực thuộc trung ương, 991 phường và 16 xã thuộc các thành phố/thị xã, 257 thị trấn và 21 xã thuộc huyện của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương); tổng số ĐVSDNS đã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản là 80.616 đơn vị (đạt 93,86%); tổng số cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ hợp đồng và các cán bộ khác hưởng lương từ NSNN (không bao gồm quân số của các đơn vị an ninh - quốc phòng) đã thực hiện chi thanh toán cá nhân qua tài khoản là 2.612.262 người (đạt 93,86%). Tại các địa bàn bắt buộc chi thanh toán cá nhân qua tài khoản, số ĐVSDNS đã thực hiện là 32.650 đơn vị (đạt 98,67%).
Công tác chi NSNN qua KBNN đang được thực hiện thông qua các hệ thống thanh toán điện tử như hệ thống TTSPĐT, thanh toán liên ngân hàng (TTLNH), thanh toán liên kho bạc (TTLKB), thẻ tín dụng trong chi NSNN. Bên cạnh đó, KBNN cũng đã hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các ĐVSDNS sử dụng các hình thức TTKDTM trong chi NSNN như: Chi chuyển khoản, chi thông qua các ứng dụng của các NHTM và trung gian thanh toán như internet- banking, mobile-banking...