Thương nhớ những khu tập thể Hà Nội qua ký họa

TP - Chắc chắn nhiều người dân Hà Nội vẫn vẹn nguyên ký ức về các khu tập thể (KTT) đặc sản của một thời vừa đủ xa dù vẫn chưa qua. Một tập sách tranh xen kẽ bài viết của những người gắn bó với KTT Hà Nội vừa được ấn hành kể nhiều câu chuyện thú vị về di sản kiến trúc và lối sống này.
Triển lãm ký họa Ký ức Hà Nội về các KTT đang bày tại Ngon Garden 70 Nguyễn Du. Ảnh: BTC

Cuốn Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa & hồi ức tập hợp các tác phẩm của nhóm Ký họa Đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) bên cạnh các bài viết của các chuyên gia, văn nghệ sĩ cùng chính các cư dân tập thể khác về 17 KTT tiêu biểu của Hà Nội. Đây là tư liệu quý, hoặc để đọc chơi cho bất cứ ai yêu và quan tâm đến lịch sử Hà Nội.

KTT tưởng như là một kiểu tàn tích lạc hậu có bị xóa bỏ cũng không đáng tiếc nhưng ký ức của mọi người lại cho thấy tình yêu dành cho nó hoàn toàn có căn cứ. Trong bài Nhà cũ ở Thành Công, Phan Thị Thanh Nhàn viết: “… Căn phòng đã nhốt/ Những ngày trong veo/ Mùa xuân còn mãi/ Nơi mình buông neo". Nguyễn Quang Thiều phát hiện ra sự thiêng liêng mà mọi con người ở mọi nền văn hóa đều giống nhau khi nhớ về nơi họ từng sống “cho dù nơi chốn ấy khắc nghiệt đến mức nào”.

Tâm lý ấy cũng hoàn toàn dễ hiểu, nhất là vì trước đó ở Hà Nội, nhiều người còn sống khó khăn hơn- trong các căn biệt thự hay nhà phố cổ chia năm xẻ mười chẳng hạn. Cho tới những năm 70, 80 thế kỷ trước, được phân nhà tại các KTT cao tầng theo Phạm Hữu Hiệp là một vinh dự, tự hào, ước mơ, hy vọng… của rất nhiều người, dù cho chất lượng xây dựng có không như ý.

Anh Hiệp nhớ về khu 5 tầng ở Láng Hạ, thời công viên Thành Công còn là bãi rác, đường Láng là đồng ruộng, ao chuôm: “Muốn đóng cái đinh lên tường thì cát rơi lả tả hoặc vữa vỡ từng mảng... Gạch nền khấp khểnh, nhiều viên mới lát đã bong lớp vữa. Cửa sổ, cửa ra vào đều bằng gỗ tạp, mới lắp đã cong vênh và thực tế có cũng như không, vì cửa như vậy chỉ có tác dụng để giữ người ngay mà thôi. Hầu hết mọi người đều theo nhau làm thêm cửa sắt, cơi nới thành ra những dãy chuồng cọp…”. Với chung cư hiện đại, anh Hiệp ví von, có lẽ con người cũng “hiện đại” hơn về mặt sinh hoạt và tâm tư tình cảm mà trở nên khép kín hơn “như những cánh cửa đóng kín đáo chắc chắn của từng căn hộ mới”.

Các KTT đời sau khang trang, quy hoạch hợp lý hơn. Thanh Xuân Bắc (mô hình căn hộ khép kín bằng bê-tông đúc sẵn đầu tiên) những năm 1990 chả có gì nhiều để phàn nàn, kể cả khi mất nước. Cù Thị Kiều Anh ở D2 miêu tả: “Cả khu vui như trảy hội. Nào xô nhựa, nào các thùng sơn đã được vệ sinh sạch sẽ được tận dụng mang đi xin nước tại các nhà dân dùng giếng khoan phía bên kia đường Khuất Duy Tiến. Bảo sao trai Thanh Xuân Bắc cơ bắp cuồn cuộn".

Trong ký ức của một cậu bé 7 tuổi, KTS Nguyễn Duy Phúc thấy cả thiên đường và địa ngục cùng tồn tại nơi KTT một tầng của ĐH Kinh tế Quốc dân. Nhà lắp ghép không có bếp và WC, nên mỗi dãy phải làm trước sân một nhà bếp chung- phần lớn bằng tre lợp và giấy dầu. Khoảng sân giữa dãy bếp và nhà là thiên đường của bọn trẻ. Còn “địa ngục” là khu vệ sinh chung sau bếp cũng bằng tre lợp giấy dầu, dùng tro bếp để “phi tang”. Gia đình 4 người của chị Bùi Kim Nga ở Kim Liên (KTT xây cuối những năm 1960) trong căn hộ 24m2 gồm cả vệ sinh và tắm. Theo thiết kế cứ 2 hộ chung nhau khu phụ. Sau đó 2 nhà thỏa thuận chia đôi phần phụ, ai thiếu gì tự xoay sở làm thêm, riêng toalet ngoài hành lang vẫn phải chung.

Nguyễn Công Trứ hay còn gọi là “quân khu Mả”- KTT cao tầng đầu tiên của Hà Nội xây đầu những năm 1960 trên nền nghĩa trang Pháp đương nhiên nhiều chuyện ly kỳ để kể. Bọn trẻ con vui chơi giữa các bia đá cũ. Giữa khu vẫn còn nhà quàn đã trở thành nơi sinh hoạt công cộng, thư viện hoặc kho chứa bột mì, hầm trú bom. “Những năm chống Mỹ, hầm trú ẩn loại tròn (tranchee) được đào khắp nơi, nhưng sao cho đủ và chẳng ai thiết xuống hầm. Mỗi khi có báo động là già trẻ lớn bé ra hành lang ngồi buôn đủ thứ chuyện. Lớn rồi tôi mới hiểu con người ta khi gặp gian khó hiểm nguy thì muốn gần nhau hơn, chứ làm sao có thể tránh bom ở nơi ấy,” Tuấn Phạm nhớ lại.

Thời bình, lúc còn khó khăn thì: “Nhà nào có thịt ăn, băm chặt thường rất nhẹ tay sợ hàng xóm tủi thân” (Bạch Liên). Khi đã khá giả hơn: “Ai có gì ngon lạ, gọi hàng xóm sang ăn cho vui” (Kim Nga). Tập thể là nơi tăng gia sản xuất. “Tiếng heo ủn ỉn bên nhà hàng xóm, tiếng gà cục tác ngoài ban công” vẫn nguyên trong ký ức Lê Minh Ngọc.

Tết là những khoảnh khắc sống động nhất. Phạm Sao Mai ở Bách Khoa ghi: “Tối 28 cả tầng rộn rã chẻ củi khói bếp cay sè mắt. Lũ trẻ con được giao rửa lá dong, đãi đỗ xanh, mặt cứ dài cả ra. Làm thì lâu mà ăn thì chóng. Tối đến bọn nhóc quanh quẩn ríu rít bên thùng bánh chưng đến chừng 10h, mắt đã dính cả lại. Rồi đêm 30, ai ai cũng treo trước cửa nhà tràng pháo hồng dài hơn một mét. Đúng giao thừa, pháo nổ long tầng, điếc ù cả tai, khói mờ mịt, ho sặc sụa…”.

Theo PGS.TS.KTS Phạm Thúy Loan, KTT dạng chung cư có quy hoạch thiết kế và xây dựng đồng bộ thành các dự án trong những năm 60, 70, 80 thế kỷ trước ở Hà Nội là “những nơi ở lý tưởng nhất của người dân thủ đô những năm bao cấp, cho đến nay vẫn tràn đầy sức sống trong chính những cơ thể vật chất dù đã cũ và không còn thời thượng”.

Ký họa KTT Nam Đồng của Sutien Lokulprakit
Ký họa KTT Thành Công của Trần Thị Thanh Thủy.  Ảnh chụp lại: N.M.H.

Thành lập tháng 9/2016, Urban Sketchers Hanoi (USH) là thành viên của Urban Sketchers Group quốc tế. Nhóm hiện có trên 3.000 hội viên, đi ký họa phố phường hàng tuần vào Chủ nhật và dạy vẽ miễn phí cho mọi người. Triển lãm thường niên của nhóm đang diễn ra tại Ngon Garden- 70 Nguyễn Du suốt tháng 1/2019. Đồng thời, Ngon Garden cũng phục vụ các bữa ăn theo khẩu vị thời bao cấp.

Thời bình, lúc còn khó khăn thì: “Nhà nào có thịt ăn, băm chặt thường rất nhẹ tay sợ hàng xóm tủi thân” (Bạch Liên). Khi đã khá giả hơn: “Ai có gì ngon lạ, gọi hàng xóm sang ăn cho vui” (Kim Nga). Tập thể là nơi tăng gia sản xuất. “Tiếng heo ủn ỉn bên nhà hàng xóm, tiếng gà cục tác ngoài ban công” vẫn nguyên trong ký ức Lê Minh Ngọc.