Dự án sẽ thực hiện tìm kiếm dấu chân của Sao La - một trong những loài thú hiếm nhất thế giới - tại 6 tỉnh từ Nghệ An tới Quảng Nam với mục tiêu phát hiện những cá thể Sao La cuối cùng còn tồn tại trong tự nhiên bằng cách sử dụng kiến thức sinh thái bản địa và các công cụ giám sát khoa học mới nhất, cung cấp thông tin cần thiết cho nguồn động vật phục vụ chương trình nhân nuôi sinh sản bảo tồn để có thể cứu Sao la khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Dự án đã xác định được 15 vùng ưu tiên cao nhất của Sao la dựa trên kiến thức sinh thái bản địa. Tại đây các nhà khoa học đã thực hiện khảo sát bằng các bẫy ảnh với tổng số 160 bẫy ảnh. Công nghệ ADN môi trường cũng được áp dụng trong quá trình tìm ra loài thú quý hiếm này. Hàng nghìn mẫu ADN đã được thu thập với mong muốn ghi nhận sự tồn tại của Sao La ngoài tự nhiên.
Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ tại Việt Nam cho biết, sau đợt bẫy ảnh lớn nhất Việt Nam được công bố cuối năm 2013, dự án đang tiếp tục triển khai bẫy ảnh tại 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nhằm tiếp tục ghi nhận đa dạng sinh học và tìm kiếm các loài thú quý hiếm. Dự án dự kiến kết thúc vào năm 2025.
Theo bà Phan Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam là một trong 16 quốc gia có đa dạng sinh học cao trên thế giới với hệ động thực vật vô cùng phong phú. Tuy nhiên, như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi đa dạng sinh học bị suy giảm với tốc độ chưa từng có.