Thủ đoạn đưa nạn nhân vào ‘mê hồn trận’ của Phó Đức Nam - Mr Pips

TPO - Gần 2.000 nhân viên của đường dây lừa đảo do Mr Pips điều hành đã sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập ra nhiều hội nhóm đầu tư với cái tên mĩ miều như: VIP, đầu tư thông minh, chiến lược đầu tư thông minh... và giả làm các chuyên gia tài chính, 'thầy' đọc lệnh, phân tích kỹ thuật nhằm dụ dỗ, kéo nạn nhân vào bẫy giăng sẵn.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phó Đức Nam (Tiktoker Mr Pips, SN 1994, trú tại phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), Lê Khắc Ngọ (SN 1990, trú tại phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội - hiện đang bỏ trốn) và 29 bị can khác về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Không tố giác tội phạm”, “Rửa tiền”, "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".

Sổ đỏ, sổ tiết kiệm cơ quan điều tra thu giữ trong vụ án.

Con đường sa chân vào tổ chức tội phạm của Mr Pips

Tài liệu điều tra thể hiện, năm 2016, Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ làm phiên dịch viên cho nhóm người nước ngoài hoạt động chứng khoán quốc tế ở Việt Nam. 2 năm sau, Nam câu kết với nhóm người này để lừa đảo, môi giới nhà đầu tư vào thị trường chứng khoán quốc tế dựa trên nền tảng các trang web, link khoảng 24 sàn chứng khoán quốc tế do nhóm người nước ngoài cung cấp.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội yêu cầu Lê Khắc Ngọ ra đầu thú, nộp lại tài sản do lừa đảo chiếm đoạt tài sản để hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.

Sau đó, Nam giao cho Ngọ thành lập 44 văn phòng (24 văn phòng ở Hà Nội) với 1.918 nhân viên quản lý vùng, quản lý văn phòng và sale. Các văn phòng này tập trung tại quận trung tâm như Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Xuân và 20 văn phòng ở TP HCM, Đà Nẵng, Campuchia, Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan.

Dàn xe sang thu giữ trong vụ án.

Một cán bộ điều tra Công an quận Cầu Giấy cho biết, hành vi phạm tội của các đối tượng rất tinh vi và chuyên nghiệp. Đối tượng Nam, Ngọ cấu kết với người nước ngoài lập các sàn giao dịch ngoại hối và chứng khoán giả mạo, có giao diện giống với sàn giao dịch uy tín trên thế giới như: gtmx, alpha trading, iqx, lodonnex, ibmex, iswiss, trust...

"Do đây là các sàn giao dịch giả mạo nên các đối tượng có thể can thiệp vào hệ thống và luôn thắng nhà đầu tư. Đối với các mệnh giá nhỏ có thể nhà đầu tư thắng và rút được tiền về, sau đó sẽ khuyến khích đầu tư lớn hơn để có lợi nhuận cao dẫn đến việc thua sạch tiền" - vị cán bộ điều tra cho biết.

Mê hồn trận của 'thầy đọc lệnh'

Thượng úy Trần Công Hậu - Đội CSHS Công an quận Cầu Giấy cho biết, trong đường dây lừa đảo chuyên nghiệp này, các đối tượng còn giả mạo làm chuyên gia tài chính để "quây" nạn nhân.

Từ nhân viên sale, leader, sale manager, đến quản lý văn phòng đều sử dụng nhiều tài khoản Zalo, Telegram, Viber để lập ra nhiều hội nhóm đầu tư với cái tên mĩ miều như VIP, đầu tư thông minh, chiến lược đầu tư thông minh... và giả làm các chuyên gia tài chính, thầy đọc lệnh, phân tích kỹ thuật, mã lệnh, đóng giả làm nhà đầu tư nhằm tạo niềm tin và điều tra thông tin tài chính của các nạn nhân, rồi dụ dỗ tham gia tiếp.

"Các đối tượng còn 'chăm sóc' bị hại theo kiểu 1-1 liên tục và thân mật, để họ cảm thấy có sự đồng hành và nhiệt tình, được quan tâm, tôn trọng trong quá trình đầu tư. Sau đó, các đối tượng đưa lệnh, đọc lệnh trên các hội nhóm do chúng lập ra để nhà đầu tư đặt theo, cuốn vào dòng tiền bị thua, muốn nạp thêm để gỡ và càng đặt nhiều thì càng nhanh "cháy" tài khoản" - Thượng úy Hậu nói.

Phó Đức Nam xây dựng hình ảnh là nhà đầu tư thành đạt trên mạng xã hội.

Theo cơ quan điều tra, để tạo uy tín, đường dây này còn quảng cáo các công ty "ma" và mời người nước ngoài đến tư vấn đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế tại các văn phòng; tổ chức hội thảo, sự kiện và khóa học đầu tư trên mạng, quảng bá xây dựng hình ảnh cá nhân là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán quốc tế để thu hút nhà đầu tư sẵn sàng nạp tiền.

Bên cạnh đó, các nhân viên sale trong đường dây này thường xuyên giới thiệu như "rót mật vào tai" bị hại cam kết không có rủi ro hoặc bảo hiểm 100% vốn, nhưng trên thực tế khi nhà đầu tư chuyển tiền thì chúng sẽ lừa cho họ thua hết tiền, thậm chí khuyên họ tiếp tục nạp tiền thêm để gỡ.

Vẫn theo thượng úy Hậu, đối tượng Phó Đức Nam xây dựng hình cá nhân trên Facebook, Telegram, Zalo, TikTok… là nhà đầu tư chứng khoán quốc tế thành công, và khoe rất nhiều tiền, vàng, nhà, xe, vàng bạc, đồng hồ… để thu hút nhà đầu tư tham gia vào đầu tư chứng khoán như mình.

"Khi bị hại đã xem video của Phó Đức Nam thì đều muốn như đối tượng và thậm chí nhắn tin trực tiếp cho Nam để được hướng dẫn vào các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội để làm theo các “chuyên gia, thầy đọc lệnh…” nạp tiền vào và bị lừa" - Thượng úy Hậu thông tin.

Đáng chú ý, chúng còn thuê một số văn phòng gần trụ sở Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để hướng dẫn, tiếp bị hại khi phát sinh đơn kiện, mời bị hại đến trụ sở tham gia nhằm tăng uy tín, tạo niềm tin.

Đến nay, cơ quan điều tra thu giữ tài sản ước tính 5.200 tỷ đồng. Trong đó, 316 tỷ đồng trong tài khoản; 9 tỷ đồng trái phiếu; 200 tỷ đồng sổ tiết kiệm; 69 tỷ đồng tiền mặt; 890 miếng vàng SJC; 246 kg vàng nguyên khối; 31 siêu xe; 59 đồng hồ phiên bản giới hạn trị giá khoảng 300 tỷ đồng; 7 mô tô hạng sang; 84 trang sức vàng, khảm kim cương; phong toả 125 bất động sản.