Trên 5.000 hecta đồng cỏ hoang dã ở phía đông bắc Montana, hàng trăm con bò rừng đã một lần nữa được tận hưởng tự do. Chúng không thuộc vườn quốc gia hay khu bảo tồn khép kín mà sinh sống trên đất của các bộ lạc. Đàn bò tổng cộng 340 con của bộ lạc Assiniboine và Sioux ở khu vực Fort Peck là đàn bò lớn nhất trong nỗ lực bảo tồn loài bò rừng của người dân da đỏ Bắc Mỹ. Ảnh: Cục vườn Quốc gia Mỹ.
Bò rừng không chỉ là để "duy trì cuộc sống", giáo sư Leroy Little Bear tại Đại học Lethbridge cho biết. Ông dẫn dắt dự án bảo tồn cùng bộ lạc Blood. Theo ông, bò rừng, một trong những loài động vật có vú trên cạn lớn nhất châu lục, đóng vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh và văn hóa của các bộ lạc da đỏ. "Một mối quan hệ hòa hợp", ông Little Bear chia sẻ. "Nếu bạn là người Cơ Đốc giáo mà lại không thấy cây thánh giá hoặc không có nhà thờ ở góc phố nơi bạn sống thì tức là nơi đó không có sự kết nối với bạn từ bên ngoài, không có biểu tượng nào để củng cố và nuôi dưỡng niềm tin của bạn", giáo sư giài thích. "Những con bò rừng có ý nghĩa như vậy đấy". Ảnh: Media Bakery.
Chỉ khoảng vài trăm năm trước, khoảng 20-30 triệu cá thể bò rừng sinh sống thành đàn trên khắp khu vực Bắc Mỹ. Chúng là dấu tích còn lại từ kỷ Pleistocene và là một trong số ít loài có vú sống sót sau cuộc tuyệt chủng Kỷ băng hà. Tuy nhiên, cách đây chưa đến 400 năm sau hành trình của Columbus, người da trắng tiến sâu về phía tây vào lãnh thổ của người bản địa. Chính phủ Mỹ ra quyết định lịch sử làm tê liệt cộng đồng của họ bằng tất cả các biện pháp cần thiết. Trong đó, việc săn, giết bò rừng hàng loạt được coi như một cách để tàn phá các bộ lạc, khiến họ chết đói. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ
Chỉ trong vài thập niên tiếp theo, với số lượng sụt giảm nghiêm trọng từ hàng chục triệu, loài bò rừng bỗng chốc bị đẩy tới gần bờ vực tuyệt chủng. "Fort Peck là nơi đầu tiên đứng lên và tuyên bố muốn giúp. Chúng tôi hy vọng có thể khôi phục giống loài quan trọng này về với quê hương Great Plains (Đại Bình nguyên)", Guardian dẫn lời Jonathan Proctor, giám đốc chương trình Rockies and Plains của tổ chức phi chính phủ Defenders of Wildlife (Người bảo vệ Động Thực vật hoang dã). Ông Proctor đã cùng với nhiều bộ lạc cố gắng hồi phục quần thể bò rừng nhiều năm qua. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ.
Và để làm được điều đó, các bộ lạc học hỏi kinh nghiệm từ Yellowstone. Sau những vụ tàn sát bò trong thế kỷ 19, vùng thung lũng xa xôi tại Yellowstone chỉ còn 23 cá thể sống sót. Tuy nhiên, ngày nay, đàn bò khỏe mạnh có tới 4.000 con và được đánh giá là quần thể quan trọng vì chúng chưa từng được thuần hóa hay phối giống với gia súc, đồng nghĩa với việc những cá thể này duy trì được giống thuần chủng. Ảnh: AFP
Năm 2007, Fort Peck đặt mục tiêu tạo ra một đàn bò mang ý nghĩa văn hóa và bảo tồn từ những con bò rừng ở Yellowstone, bên cạnh đàn bò vốn đã có để phục vụ mục đích kinh tế. Dẫu vậy, việc đưa bò từ Vườn quốc gia Yellowstone tới Fort Peck khó khăn hơn tưởng tượng. Mặc dù là giống thuần, nhưng bò ở đây lại mang bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Brucella gây ra. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ
Nỗi lo ngại về bệnh dịch gây nhiều khó khăn cho Fort Peck để có thể vận chuyển bò từ Yellowstone. Trong suốt 6 năm, các bộ lạc phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý và luật chống bò rừng của quốc hội bang Montana. Vụ việc thậm chí còn lên tới cả tòa án tối cao Montana nhưng cuối cùng, phần thắng vẫn thuộc về người dân bản địa. "Chướng ngại vật lớn nhất là chính trị ở Montana", Robert Magnan, giám đốc phụ trách chương trình bảo tồn bò rừng ở Fort Peck, nói với Guardian. "Họ không hiểu chúng tôi đang cố gắng làm điều gì ở đây". Ảnh: AP
Con bò Yellowstone đầu tiên được đưa đến Fort Peck vào năm 2012. Tổng cộng có tất cả 60 con. "Rất nhiều người từ các cộng đồng đến và ăn mừng to", ông Proctor kể lại. "Đó là một hình ảnh mang lại nhiều phấn chấn". Hai năm sau khi đàn bò được chuyển tới, ông Magnan cho hay chúng đã hồi sinh cả vùng đất. "Chúng tôi thấy hệ sinh thái phục hồi. Các loài chim quay trở lại, thảm thực vật địa phương phát triển mạnh mẽ. Chúng tôi mong đợi những lợi ích mà đàn bò mang tới cho vùng đất bộ lạc", ông nói. Từ đó, nhiều đàn bò tiếp tục được chuyển tới, biến Fort Peck trở thành nơi có một trong những quần thể bò rừng lớn nhất Bắc Mỹ. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ.
Số bò rừng ở Fort Peck tăng lên 340 con, nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Vào năm 2014, 13 bộ lạc, đại diện 8 khu vực của người da đỏ ở cả Mỹ và Canada, ký Hiệp ước Bò rừng, khẳng định tầm quan trọng của việc khôi phục các quần thể bò sinh sống tự do đối với cả hai nước. "Chúng tôi từng luôn để một chiếc ghế trống cho con bò, cho linh hồn của bò, khi chúng tôi tụ họp", giáo sư Little Bear nói. "Chuyện này khó để giải thích nhưng con bò hỏi chúng tôi rằng nó đã biến mất trong suốt 150 năm, tại sao giờ chúng tôi lại muốn nó quay về". Ảnh: AP.
Đến cuối buổi đối thoại, các bộ lạc đều nhất trí mối quan ngại nằm ở những người trẻ. "Họ chỉ được nghe những câu chuyện kể, bài hát, chứng kiến những nghi lễ nhưng không được thấy đàn bò thực sự", ông Little Bear cho biết. Và hiệp ước giữa họ đang cho kết quả tốt. Năm ngoái, vùng thổ dân Blackfeet ở Montana, nhận được 89 cá thể thuần chủng từ Đảo Elk, Canada. Mặc dù dự án ở Blackfeet còn non trẻ nhưng đây là dự án hoài bão nhất. Bộ lạc này đang đàm phán với chính quyền bang để cho phép đàn bò không bị bệnh được tự do di chuyển tới Vườn quốc gia Glacier, và thậm chí là xa hơn lên phía bắc tới Vườn quốc gia Waterton Lakes và khu vực bộ lạc Blood ở Canada. Ảnh: WWF
Ông Little Bear cho hay đang phối hợp cùng Dự án Y2Y, nhằm tạo một hành lang động vật hoang dã quy mô lớn từ Yellowstone tới Yukon cho gấu và sói. "Chúng tôi nói với người của Y2Y: 'Còn bò thì sao nhỉ?' và họ đáp rằng chưa bao giờ nghĩ đến điều đó nhưng họ sẽ bao gồm cả bò rừng vào dự án", giáo sư cho hay. Năm nay, bò rừng cũng đã xuất hiện trở lại ở Vườn quốc gia Banff sau hơn 100 năm, và theo ông, hiệp ước của các bộ lạc đóng vai trò như chất xúc tác. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ.
"Các bộ lạc vùng bình nguyên phía bắc đang dẫn dắt việc khôi phục giống bò rừng", Giám đốc Proctor cho hay. Trong 50 năm tới, cộng đồng bảo tồn hy vọng có ít nhất 10 đàn với số lượng tối thiểu 1.000 con để chúng có thể hoàn thiện vai trò trong hệ sinh thái. Hiện chỉ Yellowstone có đàn bò hơn 1.000 cá thể. Trên hết, ông Proctor hy vọng có một số đàn hơn 10.000 con, tương đương kích thước quần thể lớn chưa từng có từ khi cuộc tàn sát bò rừng diễn ra vào thế kỷ 19. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ
"Chúng ta sẽ chẳng bao giờ được chứng kiến 20 triệu, 30 triệu con bò rừng nữa", ông Proctor nói. "Không ai đang cố quay ngược thời gian cả. Chúng tôi đang nỗ lực tiến về phía trước và khôi phục loài vật quan trọng này ở những nơi có thể, tại những khu vực mọi người muốn có chúng và ở mức độ mà chúng có thể giúp phục hồi cân bằng sinh thái". Trong nỗ lực đó các bộ lạc thổ dân đóng vai trò then chốt. Họ có đất và mong muốn mang loài vật này trở lại. Proctor cho biết ngoài bò rừng, họ cũng có biện pháp bảo tồn sói, gấu xám, cáo và chồn sương. Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ
Ông Magnan chia sẻ "ước mơ" của Fort Peck là có 2.500 con bò rừng được bảo tồn trên diện tích đất hơn 40.000 hecta. Bộ lạc ở đây đã thông qua quyết định mua thêm đất. "Thật tuyệt... dù kinh phí có hạn và tình trạng nghèo đói vẫn tồn tại rộng khắp, các thổ dân lại đang trở thành người đi tiên phong khôi phục thiên nhiên hoang dã", ông nhận định. "Thực chất, không phải bò rừng bỏ chúng ta đi mà là chúng ta đã bỏ mặc chúng. Vậy nên, giờ chúng ta cần hành động". Ảnh: Cục Vườn quốc gia Mỹ