Thịt ba ba, đắt có “xắt ra miếng”?

Thực phẩm đắt giá và bổ dưỡng này sẽ phát huy tối đa công dụng của mình nếu bạn biết cách ăn nó một cách khoa học.
Ảnh minh họa: Internet

Ba ba dùng làm thuốc bổ

Ba ba có nguồn gốc ở châu Phi, sau đó xuất hiện ở châu Á và Bắc Mỹ. Chúng sống ở nước ngọt, thích vùi mình dưới cát hoặc đất, có chân với ba móng sắc và đuôi rất ngắn. Đầu ba ba có những vẩy nhỏ, miệng có nhiều răng. Mai là phần cứng che cả trên lưng và dưới bụng con vật, được cấu tạo bằng chất sừng bóng có da phủ bề ngoài chung quanh có rìa vểnh ra như rìa mũ. Kích cỡ trung bình là từ 25-35cm.

Từ lâu, thịt ba ba đã được xếp vào hàng thực phẩm quý, bổ dưỡng, có giá trị cao và các bộ phận của ba ba còn được sử dụng như những vị thuốc trị nhiều chứng bệnh. Trước kia, ba ba là một loại thịt hiếm, nhưng bây giờ người ta nuôi theo công nghiệp nên dễ kiếm hơn, tuy nhiên nó vẫn là một thực phẩm đắt đỏ.

So sánh ba ba với rùa người ta thấy, với cùng một trọng lượng, ba ba thường cho nhiều thịt hơn và lớp mỡ của nó có màu vàng như mỡ bò, ăn rất ngon, không quá béo.

Thành phần dinh dưỡng của ba ba có nhiều protid, canxi, lipid, sắt, các vitamin B1, B2, vitamin A và iod… rất tốt cho người bị chứng đau đầu, thiếu máu, loãng xương, cơ thể mệt mỏi, thận hư...

Trong Đông y, thịt ba ba có vị ngọt, tính bình; bổ can, thận. Có tác dụng dưỡng huyết, bổ thận cường kiện gân cốt. Dùng cho các trường hợp đau nhức xương khớp do phong thấp, sốt nóng, sức đề kháng yếu, hội chứng lỵ mạn tính, huyết trắng, các dạng u bướu sưng nề.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, dùng những con ba ba ở môi trường sống tự nhiên sẽ tốt hơn ba ba nuôi, vì đảm bảo giá trị dinh dưỡng vốn có của con vật quý giá này.

Đặc biệt cần lưu ý khi làm thịt ba ba phải khử được mùi tanh bằng cách lấy túi mật trong nội tạng và rửa sạch ba ba, hòa mật ba ba vào một lít nước sạch rồi thoa đều lên thịt thì lúc nấu chín mới thấy vị thơm ngon.

Ba ba ăn dễ trúng độc

Tuy ba ba là một loại thịt ngon và bổ dưỡng, nhưng không phải cứ ăn và là sẽ nâng cao sức khỏe. Bởi vì, thực tế ghi nhận có nhiều trường hợp ngộ độc sau khi các quý ông xơi món bổ thận tráng dương này.

Xét về góc độ dinh dưỡng, một người cũng không nên ăn quá nhiều ba ba trong một bữa ăn vì hàm lượng protein trong thịt ba ba rất phong phú, nên rất khó tiêu. Hơn nữa do ba ba sống dưới nước, luôn chui trong bùn đất hay ăn xác động vật và các thức ăn thối rữa nên trong ruột chúng thường xuyên có nhiều vi khuẩn gây bệnh sản sinh ra độc tố.

Đặc biệt lưu ý, nếu ba ba đang hấp hối hoặc đã chết thì không nên tiếc rẻ mà làm thịt vì theo các nhà nghiên cứu, trong thịt ba ba chết có histamin là một chất độc được sản sinh ra trong quá trình con vật chết trước khi chúng bị làm thịt, do sự phân huỷ chất đạm bởi vi khuẩn. Chất độc này chịu được nhiệt độ cao nên dù món ăn đã được đun nấu chín, ăn phải vẫn nguy hiểm.

Ngoài ra, tuyệt đối không được ăn thịt ba ba nhỏ vì không những không bổ dưỡng mà còn có độc vì cơ thể nó chưa đủ khả năng bài tiết tối ưu các chất cặn bã trong ruột trong quá trình sinh sống. Tốt nhất là ăn ba ba đã trưởng thành và to.

Cách phân biệt dễ dàng nhất để phát hiện ba ba trưởng thành là dựa vào trọng lượng của con vật này, trung bình một ba ba trưởng thành nặng khoảng 500g, đầu tròn nhọn, có hình tam giác, đã mọc đuôi. Ba ba có chất lượng nhất là khoảng 8-9 tháng tuổi.

Lưu ý khi ăn thịt ba ba

1. Người nào cần kiêng:

Thịt ba ba giàu chất sắt, rất tốt cho phụ nữ có thai, nhưng vì nó có tính hàn cho nên bà bầu và những người có thể chất hư hàn (cơ thể gầy, sắc mặt nhợt nhạt, dễ mệt mỏi, chướng hơi, khó tiêu, miệng nhạt, chán ăn, tay chân lạnh và mỏi, đại tiện lỏng, nát hoặc sống phân, lưỡi nhợt và có vết hằn răng…) không nên ăn nhiều, nếu dùng thì phải phối hợp với các gia vị có tính ấm nóng và có công dụng kích thích tiêu hóa.

2. Không nên ăn cùng với:

- Kinh giới vì sẽ gây lở ngứa.

- Quả đào lông kỵ với thịt ba ba do thịt chứa nhiều đạm mà đào lông lại chứa nhiều acid malic, acid này sẽ làm cho đạm bị biến chất, làm giảm giá trị dinh dưỡng.

- Thịt baba kỵ trứng gà do ba ba chứa nhiều hoạt chất sinh học, trứng gà lại chứa đạm cao cho nên hai thứ ăn chung sẽ dẫn đến chất đạm biến chất, làm giảm giá trị dinh dưỡng.

3. Đi cấp cứu ngay nếu sau khi ăn ba ba thấy:

- Thời kỳ ủ bệnh từ 2-20 giờ, thân nhiệt có thể hơi sốt, người mỏi mệt.

- Đau bụng dữ dội, đi phân lỏng nhiều lần trong ngày.

- Mặt đỏ bừng, đau đầu, nổi mẩn ngứa toàn thân, chân tay co quắp đổ mồ hôi toàn thân.

Món ăn chữa bệnh

- Ba ba 1 con, kỳ tử 30g, hoài sơn 30g, nữ trinh tử 15g. Ba ba làm sạch, chặt miếng, đem hầm nhừ cùng với các vị thuốc đó, khi chín bỏ bã thuốc, chế thêm gia vị, ăn nóng. Món này có tác dụng chữa chứng can thận hư tổn, lưng gối đau mỏi, đầu choáng, mắt hoa, di tinh…

- Thịt ba ba 50g, tỏi 60g, đường trắng, rượu trắng, nước mỗi thứ vừa đủ, hấp chín chia ăn vài lần, ăn liền trong nhiều ngày, giúp trị viêm thận mạn tính.

- Thịt ba ba 50g, râu ngô 5g, sơn tra 4g, hồng táo 2 quả, gừng tươi 1g, gia vị và nước vừa đủ. Thịt ba ba thái miếng, râu ngô rửa sạch, sơn tra bỏ hạt thái mỏng, táo bỏ hạt, gừng thái chỉ. Tất cả cho vào nồi hầm nhừ, khi chín bỏ râu ngô, ăn cả cái và nước. Món ăn giúp dưỡng âm bổ huyết, làm giảm mỡ máu và hạ huyết áp.

Theo SKGD