Nó dần hình thành một phong trào, mà có không ít dự án người dân nghe qua đều nổi da gà, sợ đến mất ăn mất ngủ!
Huyện tôi ở là vùng sâu của một tỉnh Tây Nguyên, là một huyện nhỏ nhưng cũng có đến hàng trăm cái dự án lớn có, nhỏ có, vừa vừa cũng có. Mà dự án nào cũng kéo dài hàng chục năm, có khi hàng thế kỷ và chẳng biết đâu chừng cả hàng thiên niên kỷ còn chưa xong nữa là.
Thế nhưng dự án nọ chưa xong thì dự án kia đã ra đời, rồi dự án khác cũng tung tăng nối gót, mặc dù người ta biết chắc rằng chẳng thể nào thực hiện được. Thế nên có những dự án chưa kịp thực hiện hoặc đang còn nằm trên giấy thì đã ngỏm củ tỏi!
Tôi còn nhớ có một đợt, huyện nhà phát động: “Dự án trồng rừng” với những khẩu hiệu to đùng treo trên tất cả các trụ điện trong thị trấn: “Trước khi chặt một cây, hãy trồng một rừng cây”… Đi song song với những khẩu hiệu đó là việc tàn phá không thương tiếc cây rừng để có đất trống mà… trồng rừng!
Hậu quả thì thấy rõ, cây chưa trồng nhưng rừng đã thành đồi trọc, sau một thời gian phát động thì các vị quan chức mới thấy mấy cái dự án “khỉ tha” này không mấy khả thi! Họ mới ngộ ra rằng, muốn không phá rừng thì phải lo cho đời sống nhân dân trước, không còn đói nghèo thì mới hết cảnh phá rừng.
Thế là dự án “xóa đói giảm nghèo” ra đời! Dự án này nghe cũng hay, dân nghèo thì khỏi phải nói, mừng đến quên ăn quên ngủ. Nhưng dự án đó phải làm thế nào, sau một vài năm... nghiên cứu, họ mới nghiệm ra:
“Muốn xóa đói, giảm nghèo phải hướng người dân tìm ra được giống cây trồng cho sản lượng cao, vật nuôi phải siêu trứng, siêu thịt” vì huyện nhà nông nghiệp đi đầu tàu, họ bắt tay tìm ra giống cây cho năng suất cao về vùng mình phổ biến cho nhân dân trồng.
Hoan hô tinh thần của các vị lãnh đạo, thật sáng suốt! Nhưng hỡi ôi, các vị ấy chẳng thèm nghiên cứu, chỉ đi “nghía” ké huyện bạn, thấy họ trồng cây bắp cao sản được mùa liền vận động nhân dân trồng để tăng thêm thu nhập.
Dân tức tốc phá cây mía, trồng bắp, khắp nơi là bắp, bắp trên nương, bắp trên rẫy, bắp khắp nơi… Dự án đó trở thành nước mắt nhân dân khi cây bắp không hợp với khí hậu huyện nhà, lần lượt chết hoặc có lớn cũng chẳng cho trái nào!
Còn về phần giống vật nuôi thì huyện cho vay tiền để mua bò lai nhưng giống bò ấy lai con gì mà trông xấu xí đến tệ, nó nhỏ đã đành lại còn ốm giơ xương. Về một thời gian rồi cũng lần lượt “ra đi”, người dân lại ngồi nước mắt lưng tròng vì nghèo vẫn hoàn nghèo!
Có những dự án mà người dân nhìn vào đã thấy tức “điên”, bởi cái sự không tính toán của họ. Chẳng là huyện xin trình tỉnh dự án cải tạo, nâng cấp các con đường trong huyện.
Người dân nghe mừng, từ nay có đường mới đi khỏi sợ ổ voi, ổ gà. Khi làm nhà, người dân chỉ làm cao hơn mặt đường hơn tấc, vậy mà khi khởi công làm đường thì nhà nào cũng nhăn mặt, vì giờ nhà đã thấp hơn mặt đường cả mét, có nhà mặt đường đã “leo” lên đến cửa sổ.
Dân nghèo, làm được căn nhà đã khó, nay gặp con đường này đi vào nhà chẳng khác nào đi xuống địa đạo! Nhà cửa tối om, đã thế cứ mưa là nước lại chảy ngược vào nhà. Sửa nhà thì không có tiền, mà để vậy thì ở không nổi! Thật là dự án làm khổ dân.
Gần đây, đề án 112 mang nhiều tai tiếng làm thất thoát của hàng trăm tỷ đồng mà người dân đóng góp vào, thấy đau xót làm sao. Số tiền đầu tư cho đề án này được gọi bằng một từ rất đau: “Vứt tiền qua cửa sổ”! Nhẩm tính sơ, với hàng trăm tỷ đồng như thế sẽ xóa đói cho được khoảng 20 ngàn hộ gia đình nông thôn hiện nay.
Tiếp nối những dự án thất bại sẽ còn những dự án, đề án thất bại khác, nhưng đáng buồn hiện nay hằng ngày, thậm chí là hằng giờ những dự án mới vẫn sinh sôi liên tục. Mỗi dự án, đề án đều tiêu hao không ít tiền bạc, mồ hôi nước mắt của nhân dân. Thế nên không thể làm bừa, làm ẩu...