Thị trường chứng khoán đánh cược với gói kích cầu

Phiên giao dịch ngày 29/10 đã chứng kiến làn sóng cắt lỗ ồ ạt trên diện rộng đầu tiên với hàng loạt cổ phiếu giảm sàn. VN-Index lúc thấp nhất chỉ còn 575,73 điểm - tương đương giảm tới trên 4%.

Tuy nhiên về cuối phiên, số lượng nhà đầu tư (NĐT) tham gia bắt đáy ngày càng đông và chỉ số đã phục hồi nhẹ. Không ít NĐT đã đánh cược với thông tin hỗ trợ sẽ có vào cuối tuần này khi Chính phủ họp bàn về khả năng triển khai gói kích cầu tiếp theo.

Rủ nhau "câu" đáy

Mở cửa phiên giao dịch sáng 29.10, VN-Index đã giảm 11,63 điểm - chính thức xuyên thủng mức 600 điểm với khối lượng giao dịch khá lớn. Áp lực bán dồn dập trong gần như toàn bộ phiên khớp lệnh liên tục. Tuy nhiên, không ít NĐT lại nhận định CP giảm sàn là cơ hội để mua rẻ.

Anh Đức - một NĐT sàn SME - cho biết nhận được tư vấn từ khá sớm của Cty, cho rằng thị trường đang giảm do sự "phản đối" gói kích cầu đang lớn, Index có lẽ chỉ loanh quanh ở mức 580 điểm.

Theo phân tích này, mức thanh khoản sẽ tăng đáng kể và qua quan sát nhiều mã cho thấy, có thể có sự gom hàng vào cuối ngày. Lý do chính là tính chất quyết định về gói kích cầu số 2 sẽ được quyết trong tuần sau: "Lúc này đang là lúc các đại biểu Quốc hội tranh luận; tuy nhiên, nhiều quan chức Chính phủ vẫn đang khẳng định về việc triển khai gói kích cầu, nên có lẽ nút thắt sẽ nằm ở việc bấm nút biểu quyết.

Hôm nay (29.10) thị trường chắc chắn rớt điểm, nhưng tuần sau thì chưa chắc. Chúng tôi cho rằng, lúc này vẫn có thể canh mua; tất nhiên, tính thanh khoản nên là ưu tiên cao hơn  cả tin chia thưởng. Đề nghị quý khách hàng nên kiên nhẫn, ngày mai, hoặc thứ hai trời sẽ sáng!".

Thực tế quan điểm này cũng được nhiều NĐT đồng thuận. Anh Tuấn - sàn HBS - cho biết, kế hoạch của anh là sẽ gom sàn "tà tà" nhiều phiên và khả năng vốn đủ để theo đà giảm đến lúc VN-Index chạm 550 điểm.

Tuy nhiên, trước tình thế CP giảm sàn hàng loạt, anh đã quyết định đẩy nhanh hơn việc mua gom: "Mua mạnh lúc này tương đối rủi ro, nhưng tâm lý thị trường thay đổi như vậy là khá bất thường. Mới phiên trước còn tăng điểm, bán ra dè dặt thì hôm nay đã bán đổ bán tháo. Thông thường sau những phiên giảm tới vài chục điểm như vậy, thị trường sẽ có một - hai phiên bật trở lại. Đó là chưa kể hiệu ứng của gói kích cầu có thể được quyết định cuối tuần này. Các bạn bè tôi đều đang tích cực dò thông tin bằng mọi kênh. Đây là lúc cần nắm lợi thế về thời gian, chấp nhận mua sớm một chút để sẵn sàng cổ cho T+3".

Hiệu ứng dò đáy trong phiên đã tạo nên một đợt phục hồi nhỏ về cuối ngày. Quan sát diễn biến giao dịch cho thấy trong gần 20 phút, chỉ số không thể giảm thêm sau khi đã chạm đáy 575,73 điểm (-24,13 điểm).

Theo số liệu từ CTCK SME, từ 9h39 phút đến 9h59 phút, VN-Index chỉ dao động trong khoảng 0,29 điểm - tức là gần như đứng im với quy mô khớp lệnh 14,4 triệu CK (679,1 tỉ đồng). Đây cũng là lúc các blue-chips xuất hiện lực cầu chặn mua sàn khá lớn. Lực mua sau đó đã đẩy VN-Index từ đáy thấp nhất tăng lên mức 581,49 điểm lúc đóng cửa - tương đương phục hồi 1,15%.

"Thuốc bổ" hay "doping"?

Việc Chính phủ đưa ra gói kích cầu thứ nhất trùng với chu kỳ phục hồi mạnh mẽ của TTCK, khiến sự kỳ vọng vào hiệu ứng tương tự ở gói kích cầu thứ hai rất lớn. Trên các sàn CK, thông tin được theo sát nhất thời điểm này là những tranh luận và phát ngôn liên quan đến gói kích cầu thứ hai.

Tuy nhiên, đã có những quan điểm so sánh gói kích cầu thứ nhất như một dạng "doping", giúp cải thiện tình hình ngay lập tức, trong khi gói kích cầu thứ hai như liều thuốc bổ giúp nâng cao sức khỏe một cách dài hơi. Khác với nhiều NĐT, một số chuyên gia lại cho rằng tác động về thông tin của gói kích cầu thứ hai có được triển khai hay không sẽ không cải thiện nhiều về xu hướng, mà chủ yếu là tác động tâm lý.

Theo ông Quách Mạnh Hào - Phó TGĐ CTCK Thăng Long - các thông tin kinh tế vĩ mô không có nhiều điều đặc biệt, kể cả những tin đồn liên quan đến gói kích cầu thứ hai cũng đã không còn là tâm điểm của thị trường.

Chuyên gia phân tích Fiachra Mac Cana của CTCK HSC thì cho rằng, xét về quy mô của gói kích cầu thì hiện tại đây là một tin tích cực và có thể giúp thị trường phần nào giảm bớt tình trạng bi quan.

"Trong vài ngày qua, nhiều NĐT đã tỏ ra lo ngại nhưng chúng tôi vẫn tin rằng gói kích cầu thứ hai sẽ được thông qua và mục tiêu thâm hụt ngân sách sẽ được đặt ra ở mức 6,5%. Theo quan điểm của chúng tôi, do thị trường đã có ít kỳ vọng đối với gói kích cầu thứ hai, nên dù có điều gì xảy ra đi chăng  nữa thì điều đó cũng không phải là nhân tố chính tác động tiêu cực đến thị trường" - chuyên gia này viết trong một báo cáo phân tích gần đây.

Theo ý kiến của đại diện một Cty đầu tư tại Hà Nội, gói kích cầu thứ hai dù được thông qua cũng có thể chỉ gây tác động tâm lý trong ngắn hạn. Gói kích cầu đầu tiên tạo hiệu ứng trên TTCK một phần vì định hướng cung tiền rõ rệt bằng cách cho vay hỗ trợ lãi suất, vay ngắn hạn. Gói kích cầu thứ hai được hướng trọng tâm đến hỗ trợ trung và dài hạn, thông qua các chính sách tài khóa và đặc biệt là đã được rút kinh nghiệm từ gói hỗ trợ lãi suất nên có thể sẽ không "dễ dãi" như trước. Đó là chưa kể đến khả năng hấp thu của DN cũng chưa thể đem lại hiệu quả đo đếm được trong ngắn hạn.

Theo Hoàng Nguyên
Lao động