Thêm một vụ cản trở, xúc phạm nhà báo

TP - Trong khi đang chụp ảnh công an vây bắt 2 đối tượng tâm thần quậy phá nhà dân, PV Nguyễn Thành đã bị một công an giằng máy ảnh rồi cùng một số người khác bẻ tay túm áo đòi đưa lên xe chở người tâm thần. Vụ việc xảy ra trưa qua, tại huyện Phú Ninh (Quảng Nam).
PV Nguyễn Thành được Công an chở về làm việc tại CA huyện

>>Vụ PV bị hành hung: Không xử lý rốt ráo thì rất nguy hiểm
>> Hành hung phóng viên, bạn đọc phẫn nộ

PV Nguyễn Thành được Công an chở về làm việc tại CA huyện.

Khoảng 11h trưa ngày 4-7, PV Nguyễn Thành (trực thuộc Ban đại diện báo Tiền Phong tại miền Trung - văn phòng Đà Nẵng) cùng PV Nguyễn Dương (báo Quảng Nam) trên đường công tác về qua địa bàn tổ đoàn kết số 2, thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước (huyện Phú Ninh – Quảng Nam) thấy có đám đông lộn xộn.

Hai PV dừng lại thì được biết công an xã và công an huyện Phú Ninh đang triển khai bắt đi chữa bệnh bắt buộc hai đối tượng tâm thần quậy phá nhà dân từ tối ngày 3-7. Hai đối tượng là hai anh em ruột Nguyễn Nhơn (52 tuổi) và Nguyễn Thị Ân (40 tuổi) trú tại thôn Phú Mỹ, liên tiếp trong những ngày qua có hành vi đập phá nhà dân xung quanh, dùng dao rựa đe dọa uy hiếp xóm làng và cả cán bộ chính quyền. Thấy có vấn đề, PV Nguyễn Thành đứng ra đưa giấy giới thiệu của cơ quan để được chụp hình.

Đến khoảng 12h, khi đối tượng trên đã bị khống chế, PV Thành tới chụp ảnh làm tư liệu đưa tin. Lập tức một thượng sĩ công an huyện (không đeo bảng hiệu) đang dẫn đối tượng thấy PV chụp hình liền chỉ mặt nạt nộ to tiếng rồi chạy tới giành giật máy ảnh, dù PV Thành cố gắng giải thích mình là phóng viên đang tác nghiệp.

Cùng lúc, một số người mặc thường phục chạy tới, người bẻ tay ra phía sau, người xách áo, túm gáy PV Nguyễn Thành, buộc lên xe ô tô đang chở đối tượng tâm thần yêu cầu về trụ sở làm việc.

Thấy trên xe có đối tượng tâm thần, PV Thành nhất quyết không lên. Thượng sĩ công an này tiếp tục hét: “Coi chừng nó chạy” để những người xung quanh tiếp tục khống chế phóng viên, rồi quát to giữa đám đông: “Luật nào cho ông chụp hình tôi ?”. Phóng viên Thành đáp: “Luật Báo chí. Tôi chỉ chụp cảnh công an bắt, khống chế tội phạm, không chụp cá nhân anh!”.

Tuy nhiên, viên công an vẫn nhất quyết không thả phóng viên, mà yêu cầu về trụ sở UBND xã. Tại UBND xã, PV Nguyễn Thành yêu cầu được lập biên bản sự việc, nhưng yêu cầu trên không được thực hiện. Thượng sỹ Công an này đưa phóng viên về công an huyện làm việc.

Tại trụ sở công an huyện Phú Ninh, được biết thượng sỹ công an có tên đầy đủ là Lê Anh Việt. Phóng viên Nguyễn Thành hỏi sao anh làm việc không đeo bảng hiệu? Thượng sĩ Việt trả lời: “Đánh rơi khi làm nhiệm vụ rồi!”.

Lúc này, có một đồng chí công an tên Nguyễn Văn Sang kiểm tra giấy tờ của hai PV Thành - Dương sau đó đi ra ngoài. Một lúc sau, một người tên Phong tự giới thiệu là phó trưởng công an huyện đứng ra làm việc. Phóng viên trình bày lại sự việc và yêu cầu lập biên bản, để có cơ sở về sau. Tuy nhiên, ông Phong nói : “Thông cảm. Anh em trẻ nóng vội quá”. Lúc này có thượng sĩ Việt ngồi bên.

Ông Phong thừa nhận: Việc bắt tội phạm là điều đáng được đưa tin cho người dân biết và tuyên truyền về pháp luật. Còn chuyện công an cản trở phóng viên là sai. Lúc này, thượng sĩ Việt mới có thái độ điềm tĩnh lại và tỏ ý xin lỗi hai phóng viên.

Thái độ nóng nảy và hành vi của thượng sĩ công an huyện Phú Ninh Lê Anh Việt cùng một số người không những đã vi phạm quyền tác nghiệp của phóng viên, xúc phạm uy tín, danh dự nhà báo trước đám đông, mà còn làm ảnh hưởng đến chính hình ảnh của người chiến sĩ công an trước người dân. Vụ việc này thiết nghĩ cần được công an huyện Phú Ninh kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc