An ninh trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Malaysia đã trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu sau sự cố CĐV Việt Nam bị tấn công tại sân Shah Alam trong trận đấu lượt đi. Trong những ngày qua, tại Việt Nam đã có một số lời kêu gọi trả đũa CĐV Malaysia vì vụ việc nói trên. Tuy nhiên, hầu hết các ý kiến khác đều cho rằng, Việt Nam không nên lặp lại hình ảnh xấu xí của một bộ phận CĐV Malaysia quá khích tại Shah Alam mà cần thể hiện sự fair-play. An ninh cho trận đấu của Việt Nam với Malaysia tại sân Mỹ Đình tối 11/12 dù vậy vẫn là vấn đề gây lo lắng.
Thông tin từ LĐBĐVN (VFF) hôm qua cho biết, an ninh cho trận đấu này sẽ được thắt chặt tối đa. Trao đổi với Tiền Phong, Phó TTK Dương Nghiệp Khôi cho biết, trong ngày hôm qua VFF đã làm việc với phía Công an thành phố Hà Nội để lên phương án bảo vệ cho trận đấu này.
“Công an Hà Nội đã đảm bảo sẽ triển khai lực lượng, lên các phương án kỹ lưỡng nhất để trận đấu diễn ra an toàn. Về phía VFF, chúng tôi cũng đã có phương án để bảo vệ các thành viên tuyển Malaysia trong các buổi tập tại Hà Nội cũng như khi thi đấu và cả các CĐV Malaysia khi đến Việt Nam” - ông Dương Nghiệp Khôi cho biết.
Cũng theo ông Dương Nghiệp Khôi, dù vừa qua có một vài ý kiến kêu gọi trả đũa CĐV Malaysia, nhưng “hầu hết người hâm mộ Việt Nam đều có ý thức về vấn đề này, nên tôi tin CĐV Việt Nam sẽ không gây hấn với CĐV Malaysia ở Mỹ Đình”. Thông tin từ VFF cũng cho biết, số lượng CĐV Malaysia mua vé trận bán kết lượt về với Việt Nam đã giảm sau khi xảy ra sự cố trên sân Shah Alam. Trước đó, VFF đã có kế hoạch dành 1.500 vé cho CĐV Malaysia.
Công an thành phố Hà Nội hôm qua cũng khẳng định, đã có phương án an ninh cho trận đấu Việt Nam - Malaysia. Trả lời báo chí hôm qua, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội Đào Thanh Hải cho biết, đã yêu cầu các lực lượng CSGT, cảnh sát cơ động, lực lượng phản ứng nhanh có kế hoạch cụ thể ngăn chặn các sự cố có thể xảy ra.
Theo ông Hải, sau trận lượt đi, do lượng lớn CĐV ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam nên đã xảy ra cảnh ùn tắc, khiến lực lượng công an làm nhiệm vụ rất vất vả. Trận bán kết lượt về được dự báo còn “nóng” hơn nên cần có phương án cụ thể, kỹ lưỡng. Ông Hải cho biết các tổ công tác 141 sẽ lùi thời gian cắm chốt từ 22h đêm đến sáng để trấn áp tội phạm, chống đua xe. Cảnh sát giao thông Hà Nội trong khi đó sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, ứng trực các tuyến trọng điểm.
Hôm qua, truyền thông thế giới đã chỉ trích rất gay gắt hành động tấn công CĐV Việt Nam của các hooligan Malaysia. Tờ Daily Mail của Anh đăng hình ảnh CĐV Malaysia đốt pháo sáng tại Shah Alam, tấn công CĐV Việt Nam đồng thời trích lời cựu quan chức LĐBĐ Malaysia (FAM), cho biết nước này đang rất đau đầu vì nạn hooligan trong bóng đá. Tờ Gulf News phiên bản tiếng Anh có trụ sở tại Dubai (UAE) cũng thông tin lại vụ CĐV Việt Nam bị đánh tại Shah Alam và dẫn lời xin lỗi của Bộ trưởng Thể thao, Thanh niên Malaysia Khairy Jamaluddin về vụ việc.
Ngay cả báo chí Malaysia cũng lên án hành vi quá khích của nhóm CĐV nước này. Tờ The Star đánh giá vụ việc đã làm xấu hình ảnh bóng đá Malaysia.
Trong lịch sử, nhiều vụ loạn đả do hooligan gây ra từng khiến người hâm mộ thế giới phải bàng hoàng. Năm 1985, trận chung kết cúp C1 châu Âu giữa Liverpool - Juventus tại thủ đô Brussels (Bỉ) đã bị các hooligan biến thành một thảm họa kinh hoàng. Khoảng hơn một tiếng rưỡi trước khi trận đấu diễn ra, các hooligan Anh đã phá hàng rào, tràn sang tấn công các CĐV Italy. Hậu quả, đã có 39 người chết, 376 người bị thương trong vụ loạn đả giữa đôi bên. Sau thảm họa này, UEFA đã cấm các CLB Anh tham dự các cúp châu Âu trong 5 năm. Đây chỉ là một vụ việc điển hình của nạn hooligan trong bóng đá.