Ngày 6/4, tại họp báo Ngày Thẻ Việt Nam lần 2, ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, những năm gần đây, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), thanh toán số là xu thế rõ nét trong kỷ nguyên số với việc ứng dụng các công nghệ, giải pháp tiên tiến, góp phần đưa thanh toán dịch vụ công như điện/ nước, viện phí, học phí trở nên dễ dàng, nhanh chóng, thuận tiện hơn ngay trên smartphone. Nhất là trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế gắn với thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh.
Để đẩy mạnh TTKDTM, Ngân hàng Nhà nước triển khai nhiều giải pháp như xây dựng Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt; Đề án phát triển TTKDTM; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông triển khai.
Hướng dẫn mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ ngân hàng bằng phương thức điện tử (eKYC). Tiêu chuẩn trong lĩnh vực thanh toán về thẻ Chip, QR code và công tác đảm bảo an ninh an toàn, hoạt động nghiệp vụ;…
“Ngân hàng Nhà nước thúc đẩy các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán ứng dụng công nghệ để cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ TTKDTM đổi mới, phù hợp, chí phí hợp lý như: QR Code, Ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking... Cho phép khách hàng có nhiều sự lựa chọn và thuận tiện hơn trong thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử đối với dịch vụ công”, ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, NHNN tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác để mở rộng hệ sinh thái số. Thúc đẩy việc hợp tác ngân hàng - công ty Fintech để cung ứng các dịch vụ tiện ích cho khách hàng trên các ứng dụng điện thoại thông minh. Các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT cũng đã kết nối hệ thống thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, cho phép các Bộ, ngành, địa phương cung cấp dịch vụ, thanh toán trực tuyến với các thủ tục hành chính. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi miễn/giảm phí đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng DVCQG.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho biết, Thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ, những năm vừa qua, Vietcombank đã tập trung nghiên cứu, tận dụng các thành tựu công nghệ nổi bật để xây dựng, triển khai các dịch vụ thanh toán hiện đại nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời vẫn đảm bảo an toàn bảo mật cho khách hàng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trải qua các đợt dịch bệnh liên tiếp, qua theo dõi kết quả giao dịch, Vietcombank nhận thấy có sự biến động lớn về quy mô giao dịch tại các kênh giao dịch của ngân hàng, cụ thể:
Khách hàng ít đến quầy giao dịch hơn. Thay vào đó khách hàng có xu hướng tăng cường giao dịch trên các nền tảng số của ngân hàng. Năm 2021, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của VCB tăng trưởng 62.5% về số lượng giao dịch và gần 30% về giá trị giao dịch so với năm 2020, tương ứng đạt khoảng 1.5 triệu giao dịch online bình quân/ngày.
Các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng được khách hàng đẩy mạnh sử dụng trong giai đoạn này, đặc biệt là phương thức thanh toán bằng mã QR. Tổng quy mô thanh toán QR năm 2021 bằng 213% so với năm 2020.
Đối với giao dịch thẻ, trong năm 2021, doanh số sử dụng của thẻ nội địa đã ghi nhận sự thay đổi thói quen người tiêu dùng do dịch bệnh, cụ thể, doanh số rút tiền mặt giảm đồng thời doanh số thanh toán thẻ tại các mạng lưới các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ của VCB tăng 25% so với cùng kỳ.
Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, khách hàng cũng đã có sự thay đổi về cách thức sử dụng phương tiện thanh toán, hạn chế chi tiêu tiền mặt, chủ trọng thanh toán không dùng tiền mặt và đặc biệt ưu tiên thanh toán trực tuyến.
Bà Phan Thị Thanh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm thẻ Agribank cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển dịch vụ thẻ, đặc biệt là tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, nhằm góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn tín dụng đen, đơn giản hóa các khoản tiêu dùng nhỏ lẻ. Đồng thời gia tăng sự tiếp cận của người dân với nguồn vốn ngân hàng cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) thời gian gần đây đã triển khai nhiều chính sách khuyến khích khách hàng giao dịch trên các kênh điện tử cũng như cung cấp nhiều sản phẩm, dịch vụ sử dụng công nghệ để đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.