Khác với bán đảo Kowloon địa hình bằng phẳng, đảo Hong Kong có nhiều đoạn đường dốc đứng, gây ra khó khăn đôi chút cho việc di chuyển, đặc biệt là những người đi bộ. Để khắc phục điều này, năm 1993, hệ thống thang máy ngoài trời được khánh thành nhằm khuyến khích người dân đi bộ, giảm tắc nghẽn giao thông.
Đây là hệ thống thang máy ngoài trời dài nhất thế giới với 18 đoạn thang cuốn, dọc từ phía Tây sang phía Đông đảo Hong Kong.
Thang cuốn đi qua 14 con phố, từ Conduit ở phía Tây cho tới Queens Road ở phía Đông. Theo thống kê, hệ thống chuyên chở hàng nghìn người đi làm mỗi ngày, chưa kể một lượng lớn du khách tham quan trong thành phố.
Để tiết kiệm, thang máy sẽ vận hành theo giờ, đi xuống vào buổi sáng, đi lên vào buổi chiều tối. Cụ thể là thang sẽ đi xuống từ 12h đêm đến 10h30 sáng và đi lên từ 10h30 cho tới nửa đêm ngày hôm sau.
Việc mở cửa muộn giúp những người đi làm về khuya không phải đi bộ qua những tuyến đường dốc và tránh gặp phải rắc rối về an ninh.
Hệ thống thang cuốn của Hong Kong được xây dựng với số tiền 30 triệu USD, bằng 153% ngân sách đặc khu. Thời điểm đó, công trình này nhận nhiều lời chỉ trích vì chi phí cao và hoạt động không hiệu quả.
Tuy nhiên, qua năm tháng, nó đã chứng minh được tính hiệu quả. Không những vậy, thang máy còn trở thành biểu tượng của Hong Kong, là một trong những trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.
Thang máy chỉ có một chiều nên vẫn có làn thang bộ cho những ai có nhu cầu.
Hệ thống thang cuốn cũng thúc đẩy sự phát triển của khu vực lân cận. Khu Soho gần đó đã trở thành một điểm đến phổ biến cho những ai ưa thích cuộc sống về đêm. Sau khi tàn cuộc, bạn có thể đi thang máy về nhà dễ dàng. Giá thuê quanh khu vực thang đi qua cũng tăng lên đáng kể.
Tiếp nối thành công, công viên Ocean Park ở Hong Kong cũng xây dựng một hệ thống thang máy cho mình, xếp thứ 2 thế giới chỉ sau hệ thống nói trên.