Tây Ninh thành công trong Chương trình giảm nghèo bền vững

Giảm nghèo bền vững là một trong các Chương trình trọng điểm của tỉnh Tây Ninh. Kết quả thực hiện Chương trình này của năm 2024 tích cực, địa phương cũng rút ra nhiều kinh nghiệm thực tế…

Năm 2024, Tây Ninh đã xây dựng và triển khai thực hiện được 68 dự án, mô hình với 660 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án. Các đối tượng thụ hưởng được tham gia từ khâu xây dựng dự án đến tự chọn mua con giống, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu nên rất hài lòng với con giống, vật tư, trang thiết bị nhận được cũng như nội dung hỗ trợ của Chương trình xóa nghèo bền vững của tỉnh.

Ở cấp huyện, thị xã, thành phố, cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện được 42 dự án/mô hình cho 302 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án.

Các, sở, ngành trong tỉnh cũng tích cực xây dựng và triển khai Chương trình mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu là ngành Y tế Tây Ninh, ngành này đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động của tiểu dự án gồm: Tăng cường việc tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi thuộc hộ gia đình nghèo và cận nghèo; Tăng cường hoạt động cải thiện chất lượng bữa ăn học đường và giáo dục chăm sóc dinh dưỡng; can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng; bảo vệ, chăm sóc cho trẻ học đường (trẻ từ 5 đến dưới 16 tuổi): Số trẻ được tư vấn dinh dưỡng: 1.086 trẻ; Số trẻ suy dinh dưỡng được bổ sung đa vi chất dinh dưỡng...

Thực hiện Chương trình, ngành, toàn tỉnh có hàng chục lớp với gần 1.000 người theo học các nghề Kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh gia súc, gia cầm; Kỹ thuật trồng trọt bảo vệ thực vật; Kỹ thuật trồng và nhân giống nấm; Kỹ thuật trồng lúa; Kỹ thuật trồng rau sạch… Tổ chức các phiên giao dịch việc làm với 3.700 lượt người tham gia, 2.786 người được tư vấn việc làm, cung cấp thông tin thị trường lao động và doanh nghiệp tiếp nhận 941 người.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị công nghệ thông tin để hiện đại hóa hệ thống thông tin thị trường lao động, hình thành sàn giao dịch việc làm trực tuyến và xây dựng các cơ sở dữ liệu… cũng được triển khai có hiệu quả. UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tổ chức thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về người lao động gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hỗ trợ việc làm bền vững trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2024-2025.

Vì sao Chương trình Giảm nghèo bền vững mang lại kết quả?

Theo đánh giá của địa phương, kết quả thực hiện các dự án, như: Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đẩy mạnh triển khai thực hiện đã giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế đủ điều kiện được tham gia dự án, được hỗ trợ sinh kế, từ đó giúp họ có điều kiện tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các mục tiêu: Các mục tiêu Chương trình đặt ra cơ bản đã đạt, hoàn thành trước năm 2025, nhờ các chính sách hỗ trợ và sự chung tay giúp đỡ từ các mạnh thường quân, các tổ chức chính trị - xã hội mà số hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều của tỉnh giảm đáng kể, cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Ngoài ra, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát và phản biện đã tạo được sức lan tỏa, sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ đã tạo điều kiện ngày càng tốt hơn về nguồn lực để hỗ trợ cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo hiệu quả.

Quá trình thực hiện Chương trình, các chính sách hỗ trợ đã giúp một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được cải thiện về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các nguồn lực để phát triển, tạo nhiều việc làm và tăng thêm thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng như: nhà ở, giáo dục, nhà tiêu hợp vệ sinh, nước sạch, bảo hiểm y tế, việc làm…

“Tác động của Chương trình đã giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên, vượt qua khó khăn, nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như việc nhận thức hiểu rõ về trách nhiệm của bản thân để chủ động tiếp nhận các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng” – UBND tỉnh Tây Ninh kết luận đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh năm 2024.