Tăng cường kiểm soát các hóa chất, chế phẩm sử dụng trong chăn nuôi an toàn sinh học

Sáng 30/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tuyến chủ đề: "Tăng cường an toàn sinh học trong chăn nuôi tạo sản phẩm an toàn có chứng nhận”.

Diễn đàn đã kết nối 106 điểm cầu trực tuyến với sự tham dự của 255 đại biểu, gồm đại diện lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi thú y, Trung tâm Khuyến nông, chủ trang trại - nông dân chăn nuôi tại 14 tỉnh, thành phát triển chăn nuôi tập trung và một số doanh nghiệp chăn nuôi như Công ty Cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty De Heus, Công ty Ba Huân... Diễn đàn có sự tham gia của ban cố vấn là những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi đến từ các cục, viện thuộc Bộ NN&PTNT, tổ chức FAO tại Việt Nam.

TS Hạ Thúy Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những thách thức trong ngành chăn nuôi hiện nay là vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) và kiểm soát dịch bệnh. Trong thời gian qua, việc chăn nuôi ATSH được cả ngành chăn nuôi chú trọng. Nhất là trong tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn châu Phi, viêm da nổi cục, lở mồm long móng vẫn còn xảy ra và dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, việc áp dụng các giải pháp tăng cường ATSH trong chăn nuôi là hết sức cấp bách. Thực hiện tốt ATSH trong chăn nuôi là nhiệm vụ then chốt để đảm bảo sản xuất chăn nuôi đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Giai đoạn 2011- 2021, hệ thống Khuyến nông Việt Nam đã triển khai gần 70 dự án khuyến nông lĩnh vực chăn nuôi. Trong đó, phần lớn các dự án đều tập trung tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn để nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm về chăn nuôi ATSH cho người chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng phòng Chất lượng nông sản, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Bộ NN&PTNT) chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô nông hộ có nguy cơ rất cao trong việc mất ATSH và lây nhiễm dịch bệnh. Các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ cần lưu ý những thông tin cơ bản để chăn nuôi ATSH, ký cam kết chăn nuôi ATSH. Các cơ sở chăn nuôi khác cần được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện an toàn sinh học trong chăn nuôi, ông Đoàn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý sức khỏe vật nuôi (Công ty CP Việt Nam) cho biết, kiểm soát ATSH trong chăn nuôi là việc rất khó khăn, đòi hỏi mọi khâu trong trang trại chăn nuôi phải được thực hiện nghiêm ngặt, tập trung vào các vấn đề chính để kiểm soát dịch bệnh: chuồng trại, nguồn nước phải được thiết kế riêng biệt với các khu vực khác; phương tiện vận chuyển chuyên biệt và phải được vệ sinh sạch sẽ; kiểm soát các vấn đề về trung gian truyền bệnh như thực phẩm, thức ăn; kiểm soát chặt chẽ người ra, vào khu vực chăn nuôi...

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. Nhưng cần làm sao để mọi người chăn nuôi đều quan tâm và các cấp chăn nuôi khác nhau thì cần áp dụng mức độ khác nhau. Nếu chăn nuôi nông hộ mà phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ của quy trình chăn nuôi an toàn sinh học như doanh nghiệp sẽ rất khó. “Cơ quan chức năng cần biên tập lại quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đơn giản hơn, dễ học hơn, dễ quản lý hơn. Viện Chăn nuôi nên tiếp cận với các đối tượng vật nuôi khác và có các quy trình với đặc thù với loại vật nuôi và loại hình chăn nuôi”, ông Nguyễn Xuân Dương cho hay.

Ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, các doanh nghiệp có áp dụng quy trình an toàn sinh học nào nên chủ động phổ cập cho người chăn nuôi ở các cấp độ. Địa phương cũng tăng cường tuyên truyền, các chính sách hỗ trợ cũng nên gắn với chăn nuôi an toàn sinh học nhưng cũng phải ở cấp độ khác nhau. Địa phương cần tăng cường kiểm soát các hóa chất, chế phẩm sử dụng trong chăn nuôi an toàn sinh học. Bởi nếu người dân mua phải sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ sử dụng "hổ lốn", "đánh nhầm hơn bỏ sót" và sẽ dẫn đến tăng chi phí, gây ô nhiễm môi trường.

Tại diễn đàn, nhiều đại biểu cũng cho rằng, nông dân phần lớn sử dụng sai thuốc khử trùng, vì dùng theo thói quen, khuyến cáo người bán hàng nên pha, phun không đúng liều lượng. Do đó hiệu quả khử trùng mang lại không cao. Cần có hướng dẫn người chăn nuôi khử trùng đúng sẽ tiết kiệm được chi phí.

Về chứng nhận, bà Hạ Thúy Hạnh cho biết, hiện trên trang web của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia có danh sách các đơn vị, trung tâm được phép chứng nhận, người chăn nuôi có nhu cầu có thể liên hệ với các cơ sở này để được tư vấn kỹ thuật hoàn chỉnh để đạt chứng nhận.