>> Đề nghị Chính phủ báo cáo về bôxit
Theo kết luận của Bộ Chính trị về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025, Ban cán sự Đảng Chính phủ chuẩn bị báo cáo vấn đề này với Ban chấp hành Trung ương trong kỳ họp giữa năm 2009 và chỉ đạo việc chuẩn bị báo cáo Quốc hội trong phần báo cáo về kinh tế - xã hội năm 2009.
Đến nay, ngoài những thông tin trong báo cáo của Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trước Quốc hội, chúng tôi chưa nhận được báo cáo nào khác của Chính phủ có đề cập vấn đề bôxit.
Hướng tới, theo tôi nghĩ, sẽ có một báo cáo khác, độc lập và cụ thể về vấn đề bôxit ngay tại kỳ họp này.
Nếu Chính phủ có báo cáo riêng về bôxit để trình Quốc hội, cơ quan của Quốc hội có thẩm tra như thường lệ?
Hiện chưa có quyết định là có thẩm tra hay không, nếu được giao việc thì ủy ban chúng tôi sẽ làm. Nếu không, ủy ban chúng tôi cũng có thể phát biểu có hệ thống về vấn đề này để các vị đại biểu Quốc hội có thêm thông tin, vì Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường đã tổ chức một đoàn giám sát, do tôi làm trưởng đoàn, làm việc tại Tây nguyên mười ngày về khai thác bôxit.
Cùng với báo cáo kết quả làm việc của đoàn giám sát và ý kiến thảo luận, đóng góp của nhiều thành viên khác trong ủy ban, chúng tôi tập hợp thành một báo cáo về vấn đề khai thác bôxit gửi lãnh đạo Quốc hội và Chính phủ.
Qua giám sát, vấn đề môi trường nào ông thấy quan ngại nhất trong việc khai thác bôxit ở Tây nguyên?
Ở đây không đặt vấn đề không làm được (khắc phục, hạn chế ô nhiễm) và không nên làm (khai thác bôxit), mà là với công nghệ nào và bước đi ra sao.
Về môi trường, vấn đề được quan tâm nhất là chất thải bùn đỏ, thứ hai là đa dạng sinh học.
Việc khai thác bôxit ở Tây nguyên có diện tích quặng lộ thiên khá nhiều, Tập đoàn Than và khoáng sản đưa ra phương án khai thác từng khu vực với diện tích không lớn, sau đó hoàn thổ rồi mới tiếp tục làm ở chỗ khác.
Về xử lý bùn đỏ, Than và khoáng sản cũng đưa ra việc xây dựng hồ chứa với nhiều giải pháp kỹ thuật. Đó là ý kiến của nhà đầu tư và chúng ta phải giám sát xem họ làm đúng quy trình như thế nào.
Vấn đề cốt lõi là làm sao cho bùn đỏ không phát tán ra môi trường, cả trong quá trình khai thác cũng như về lâu dài.
Ông có yên tâm với công nghệ của nhà thầu Trung Quốc trong các dự án khai thác bôxit ở Tây nguyên?
Theo cam kết của Than và khoáng sản, đây là công nghệ tiên tiến. Với tổng mức đầu tư lên đến 400 - 500 triệu USD, hoàn toàn có thể mua được công nghệ tiên tiến.
Nói một cách nôm na là, bỏ ra chừng đó tiền, anh phải có trách nhiệm mua được đồ tốt. Nhất là ở một vị trí môi trường nhạy cảm thì càng cần đến công nghệ tốt để hạn chế tối đa tiêu cực chất thải từ quá trình khai thác bôxit và sản xuất alumina.
Chúng ta không chỉ nói như vậy rồi thôi. Giám sát là chức năng thường xuyên của Quốc hội, của các cơ quan chức năng và của toàn dân.
Về phía ủy ban, chúng tôi chắc chắn sẽ tăng cường giám sát để đáp ứng sự quan tâm của nhiều cử tri về vấn đề này.
Trong báo cáo trình bày tại Quốc hội, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Chính phủ sẽ triển khai kết luận của Bộ Chính trị, hoàn chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng bôxit giai đoạn 2007 - 2015 có tính đến năm 2025.
Chỉ đạo Tập đoàn Than và khoáng sản Việt Nam triển khai các dự án bôxit tại Tân Rai và Nhân Cơ, xử lý tốt các vấn đề về công nghệ, lao động nước ngoài, hoàn thổ, trồng rừng, đền bù tái định cư; bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững của đất nước, bảo đảm hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng.
Theo Võ Văn Thành
Tuổi Trẻ