Tấm lòng của o du kích năm xưa

TP - Sau chiến tranh, người nữ du kích nằm vùng ấy mang thương tích đầy mình. Biết mình không có khả năng sinh con, chị tìm vợ mới cho... chồng. Nhưng rồi, như một kết thúc có hậu, những đứa trẻ đến với cuộc đời chị cất tiếng gọi “Mẹ”. Sau mấy chục năm chăm bẵm, chúng khôn lớn và quây quần đầm ấm.
Bà Minh hạnh phúc bên người con trai nuôi Ảnh: H.V

Bà là Phan Thị Hồng Minh (71 tuổi), ở thôn Duy Hòa, xã Bình Dương, Thăng Bình, Quảng Nam.

Trước mặt tôi, người phụ nữ có nụ cười hiền, mái tóc ngắn để lộ 2 hõm sâu phía sau đầu. Vết sẹo phía cằm trái tạo thành một đường dài là dấu vết của viên đạn sượt qua khi bà đang cắm cờ đỏ sao vàng cách đây hơn 50 năm. Vén áo lên, bà chỉ tay vào 2 vết sẹo lõm và cho hay đó là vết tích của những lần trúng đạn. Đó chỉ là những vết thương nhìn thấy được, còn trong cơ thể người phụ nữ nhỏ bé dũng cảm bây giờ đầy thương tật, trái gió trở trời là nhức buốt khắp mình mẩy.

14 tuổi cô bé Minh xung phong vào đội thiếu niên của xã, làm nhiệm vụ cảnh giới, đặt hầm chông chống địch. Cô bé nhỏ nhắn, làm việc gì cũng nhanh. Năm sau, Minh được đưa vào đội thanh niên du kích thôn, xây dựng làng phòng thủ, trực tiếp chiến đấu. Nhiều lần đội quân tóc dài khiến quân địch sập bẫy, chúng vô cùng căm giận nên ra sức bố ráp. Chị bị giặc bắt, đánh đập dã man. Bảy lần bị địch bắt thì 6 lần Minh vượt ngục ra ngoài tiếp tục làm nhiệm vụ. “Kể về những ngón đòn tra tấn của quân thù thì không bút mực nào tả xiết. Nghiến răng chịu đựng vì một niềm tin vào Đảng vào cách mạng”, bà kể.

Có lần nhận nhiệm vụ cảm tử, Minh đưa 12 quả lựu đạn lội qua bên kia sông để trừ gian, diệt ác ôn. Diệt được tên ác ôn, nhưng sau đó bị phát hiện, địch ráo riết truy lùng, cô du kích Minh liên tục cải trang thành nông dân, lội đồng mò cua bắt ốc để tìm đường về lại căn cứ. Phải mấy ngày sau mới thực sự thoát hiểm. “Về đến nơi, gặp đồng đội ai cũng tròn mắt ngạc nhiên. Trên bàn thờ đơn sơ thấy khói nhang nghi ngút, mới hay đồng đội ngỡ mình hi sinh nên đang làm lễ truy điệu”, bà nhớ lại.

Nghĩ lại những năm tháng thanh xuân cống hiến cho cách mạng, bà không hề hối tiếc vì đã sống có ý nghĩa.

Bà kể, năm 30 tuổi, bà gặp được “một nửa” của mình. Anh là người cùng đơn vị. Cơ quan tổ chức buổi tiệc nhỏ cho cặp vợ chồng trẻ nên duyên. Nhưng sau 4 năm chung sống, cả hai không có con, mới hay những đòn thù dã man tước mất đi thiên chức làm mẹ của bà. “Chồng thì kiên quyết không chịu cưới người khác, cứ nói vợ chồng yêu thương nhau thì cứ sống với nhau thôi. Nhưng tui nghĩ, nhà ổng có mình ổng, mà không có con cái thì sao đành. Vậy nên tui quyết tâm cưới vợ cho ổng”, bà Minh kể lại chuyện hy hữu mà cứ nhẹ như không.

Hòa bình lập lại, bà Minh trở về sống cùng người mẹ đẻ trong căn nhà nhỏ ở vùng quê nghèo cát cháy, hằng ngày đảm nhận công việc của một Bí thư Đoàn xã. Một lần đi làm về, cô nghe vẳng tiếng trẻ con khóc bên vệ đường. Lần theo bà phát hiện một bé trai còn đỏ hỏn, còn nguyên dây rốn bị bỏ rơi. Thằng bé kháu khỉnh, bụ bẫm. Bà ôm cậu bé vào lòng à ơi, trộm nghĩ phải chăng đây là món quà “trời ban”.

Cuộc sống nghèo khó, mẹ con cơm cháo qua ngày. Dẫu không sinh ra nhưng bà chăm bẵm đứa bé như chính khúc ruột của mình. Bà đặt tên con là Phan Việt Châu. May mắn cậu bé Châu khỏe mạnh, ít ốm vặt.

“Lúc nhận con về nuôi giữa bộn về thiếu thốn, vất vả, nhiều người lời ra tiếng vào nhưng tui kệ. Con cái đến với mình là cái duyên, cái phước, mình chối bỏ mới là cái tội. Giờ thì nhà mình cũng đông vui, con cháu sum vầy bên mẹ bên bà mỗi ngày thì tôi mãn nguyện rồi”.

Bà Minh tâm sự

Làm Bí thư Đoàn xã một thời gian, do tình hình lúc đó rất thiếu nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên hộ sinh. Quá trình đi hoạt động du kích, bà “học mót” được nhiều nghề. Vào làng nón thì biết chằm nón, vào nhà nấu đậu hũ thì cũng nấu đậu hũ đi bán, rồi tình cờ vào ở một nhà làm nghề hộ sinh bà cũng học được một số kỹ năng hộ sinh. Sau một số lần giúp người trong làng sinh thành công, cấp trên quyết định chuyển bà sang làm hộ sinh.

Công việc mới này lại “gieo duyên” giúp bà có thêm một vài đứa con nuôi nữa. Mỗi đứa có một số phận tìm đến bà.

Năm tháng qua đi, cô du kích năm xưa giờ đây tóc đã điểm bạc, sức khỏe yếu đi nhưng điều khiến bà vui là thấy con cháu vẫn luôn bên mình, thương mình. Bà khoe, giờ có cả cháu nội, cháu ngoại, đứa nào cũng chăm ngoan lễ phép, có đứa đang học đại học ở Đà Nẵng.