Tắm lá cho trẻ sơ sinh: Coi chừng tai biến

Nhiều gia đình tự mua các loại lá, đun sôi lấy nước tắm cho trẻ sơ sinh, nhưng từ những thứ nước tưởng chừng vô hại này, trẻ nhỏ có thể bị nhiễm trùng da, để lại di chứng suốt đời.

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Phó Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai - Hà Nội, thời gian gần đây bệnh viện đã tiếp nhận một số ca viêm da có liên quan tới tắm lá.

Cấp cứu vì tắm... nước dừa

Đó là trường hợp bệnh nhi Hoàng Thanh M. hơn 2 tuần tuổi, ở quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, nhập viện trong tình trạng sốt, một số vùng da lở loét. Hỏi ra mới biết, vì muốn con gái được trắng trẻo, hết rôm sảy, gia đình đã mua nước dừa nguyên chất về tắm, nhưng chỉ sau vài lần tắm em bé phải nhập viện vì... nhiễm khuẩn da!

TS Dũng cho rằng, thực tế tắm nước dừa chỉ làm da thêm bẩn, vì lượng đường nhiều là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Trong khi đó, da của trẻ sơ sinh rất mỏng, dễ bị tổn thương và dẫn đến nhiễm trùng da.

Tương tự, bệnh nhi Nguyễn Huy D., hơn 1 tháng tuổi, ở Hà Tây, nhập viện trong tình trạng sốt cao, nổi nhiều mụn nhỏ trên người.

Nguyên nhân là do gia đình tự ý dùng nước lá sài đất và chân vịt tắm cho cháu để trị bệnh chốc lở, nào ngờ chốc lở không hết mà còn bị nhiễm khuẩn da nặng, thậm chí theo bác sĩ điều trị nếu không được điều trị kịp thời thì có nguy cơ còn bị thêm... nhiễm khuẩn huyết!

Nhiễm trùng da vùng mặt có thể bị di chứng suốt đời

Hiện tượng viêm da do tắm lá mùa nào cũng gặp, nhưng theo TS Dũng, thường gặp nhiều vào mùa hè vì lúc này thời tiết nắng nóng, trẻ thường bị rôm sảy. Từ những kinh nghiệm truyền miệng, các bậc cha mẹ thường dùng nhiều thứ lá như sài đất, chân vịt, dẻ quạt để tắm cho trẻ.

Nhưng một số bác sĩ nhi khoa cho biết, sẽ rất nguy hiểm khi cho rằng hễ trẻ bị rôm sảy là phải tắm lá bởi nhiều khi bệnh này không hết mà còn phát thêm bệnh khác. Nguyên nhân vì một số loại lá cây, mọc ở bờ, bụi, nếu không được rửa sạch thì sẽ tồn tại nhiều vi khuẩn gây bệnh, thậm chí khi đã đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được tiêu diệt sạch.

TS Dũng cho biết, biểu hiện dễ thấy nhất của trẻ bị viêm da là sốt, một số vùng da hoặc toàn thân xuất hiện mẩn đỏ. Tuy nhiên, khi thấy hiện tượng này, nhiều người lại quan niệm sau khi tắm lá nếu mẩn đỏ “phát” ra ngoài da thì một vài ngày sau sẽ đỡ.

Do đó, không ít trường hợp nhập viện trong tình trạng viêm nhiễm nặng, phải điều trị dài ngày. Cá biệt, có bệnh nhi bị viêm nhiễm ở vùng mặt, đầu, cổ, nơi tập trung nhiều mạch máu, gần hệ thần kinh, nhiễm trùng có thể gây viêm tắc tĩnh mạch não và để lại di chứng suốt đời.

Phòng tránh rất đơn giản

Bác sĩ Lê Tố Như, Phó Trưởng Khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng không phải trường hợp nào tắm lá cũng gây các phản ứng trên da.

Một số biện pháp dân gian như tắm bằng quả mướp đắng, lá chè tươi, tắm chanh hay một số loại lá cây khác cũng rất hiệu quả, tuy nhiên, không phải trẻ sơ sinh nào cũng thích ứng được những loại nước lá và quả này.

Trong khi đó, ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, da có những đặc tính rất khác biệt như mỏng, chỉ bằng khoảng 1/5 da người lớn, với các chức năng bảo vệ kém nên rất dễ nhiễm khuẩn. Do đó, việc làm sạch da hằng ngày bằng các loại sữa tắm diệt khuẩn, có độ pH phù hợp sẽ tránh gây ra những kích ứng hay dị ứng cho da của trẻ. Nếu không có điều kiện, dùng nước lọc để tắm hằng ngày cho trẻ cũng rất an toàn.

Xức phấn rôm phải đúng cách

ThS-BS Hồ Xuân Vương, chuyên khoa da liễu, cho biết trẻ thường bị rôm sảy vào mùa nóng hoặc do mặc quần, áo quá kín.

Chữa rôm sảy bằng phấn rôm là đúng, nhưng lưu ý là cần làm vệ sinh, lau khô da rồi mới xức một lớp thật mỏng. Nếu da bị dơ, hoặc ẩm ướt, phấn sẽ bết lại, làm bít kín lỗ chân lông, lúc này rôm sảy sẽ nhiều hơn hoặc da bị thêm mụn nhọt. Để chữa rôm sảy, BS Vương đề nghị:

- Cho trẻ mặc quần, áo rộng, màu nhạt và ở trong phòng thoáng mát.

- Làm sạch chất bẩn hoặc chất bài tiết trên da trẻ bằng tắm rửa hoặc lau mát. Có thể làm sạch rôm sảy bằng cách tắm trẻ với dung dịch thuốc tím pha loãng (1/10.000) hoặc thoa dung dịch có chứa ô-xít kẽm (dalibour). Tránh những loại xà phòng có tính sát khuẩn mạnh.

- Chỉ dùng kháng sinh hoặc corticoid khi rôm sảy có kèm thêm mụn mủ, nhưng bác sĩ là người quyết định cuối cùng về cách dùng và liều lượng.

- Cho trẻ uống nhiều nước, thức ăn mát, uống thêm vitamin PP. Cắt ngắn móng tay đề phòng trẻ ngứa, gãi làm trầy xước da gây nhiễm trùng.

Theo Người lao động