Sự thật về khoản viện trợ 10 tỉ USD
> Tiền Giang từ chối 'gói viện trợ 10 tỷ USD'
UBND tỉnh Tiền Giang từ chối khoản viện trợ cho không khoảng 4.200 tỉ đồng là do không có tập đoàn nào mang tên “Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương”.
Mấy ngày qua, dư luận ở tỉnh Tiền Giang xôn xao thông tin có một tập đoàn tên là Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương viện trợ cho Việt Nam 10 tỉ USD/năm để xây dựng đường sá, trong đó Tiền Giang là một trong những địa phương được thụ hưởng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Tiền Giang - địa phương mà Diamond Access Inc. viện trợ cho không khoảng 4.200 tỉ đồng - đã có công văn từ chối khoản viện trợ này vì “không phù hợp tình hình thực tế của địa phương”.
Sự thật là cơ quan công an đã xác minh và kết luận không có tập đoàn nào mang tên “Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương” hoạt động tại Việt Nam.
Cho không siêu dự án?
Sự việc bắt đầu từ tháng 8-2013, khi Công ty Đầu tư Xây dựng phát triển Đồng Tháp Mười (gọi tắt là Công ty Đồng Tháp Mười) có trụ sở ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang do ông Lê Văn Đăng làm tổng giám đốc có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Tiền Giang về việc đầu tư dự án xây dựng đường 878 và 871B bằng nguồn kinh phí nhân đạo do Tập đoàn Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương tài trợ. Ngoài ra, Diamond Access Inc. còn cho không từ 1 tỉ USD đến 3 tỉ USD nên Công ty Đồng Tháp Mười còn trình UBND tỉnh nghiên cứu xem xét các dự án khác phù hợp với chương trình tài trợ để đầu tư trong giai đoạn khó khăn về tài chính của tỉnh.
Kèm theo tờ trình, Công ty Đồng Tháp Mười đã gửi thêm một văn bản do “Tập đoàn Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương” gửi Chủ tịch nước và các cơ quan trung ương với nội dung: Quỹ phát triển các dự án về nhân đạo trực tiếp do ông Paul Lê Hùng làm đại diện, sẽ tài trợ 10 tỉ USD/năm cho Việt Nam với điều kiện là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phải cung cấp một bảo lãnh có giá trị là 10 tỉ USD mà Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương là người thụ hưởng.
Ngoài ra, Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương còn đưa ra một điều kiện khác: “Không được công khai thông tin của chúng tôi vì sẽ ngay lập tức bị dừng viện trợ hoặc không được nhận thêm bất kỳ lợi ích nào khác từ cam kết tài trợ của chúng tôi. Tóm lại: Không được công khai thông tin” (?!).
Chỉ là công ty buôn đá quý
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Đăng, Tổng Giám đốc Công ty Đồng Tháp Mười, cho biết qua nhiều người bạn, ông biết ông Paul Lê Hùng ở TP HCM, cụ thể là công ty ông này ở đường Bàu Cát, quận Tân Bình. “Ông Paul Lê Hùng có dẫn tôi đến một căn nhà, nói là trụ sở công ty (căn nhà do ông mượn của một người bạn) nhưng tôi không vào mà chỉ ngồi uống cà phê phía trước” - ông Đăng kể lại.
Cũng theo ông Đăng: “Ông Paul Lê Hùng nói ông ta có nguồn vốn cho không từ nước ngoài nên nếu tôi xin được dự án tỉnh cho thì ông ta sẽ cấp vốn mà tỉnh không mất gì hết. Sau đó, tôi có làm việc với tỉnh và gửi văn bản xin chủ trương nhưng bị từ chối”.
Đề cập việc Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương yêu cầu NHNN phải đăng ký bảo lãnh số tiền 10 tỉ USD mà “Tập đoàn Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương” là người thụ hưởng, ông Đăng giải thích: “Theo ông Paul Lê Hùng cho biết thì muốn đưa số tiền 10 tỉ USD vào Việt Nam phải có bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam. Cho nên, điều kiện là Việt Nam phải bảo lãnh số tiền này và khi số tiền này về Việt Nam thì Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương thụ hưởng, tức là số tiền này ông Lê Hùng phải toàn quyền quyết định cho ai, cho tỉnh nào… chứ không phải là bảo lãnh trả nợ!”. Ông Đăng cũng cho biết trong quá trình tiếp xúc, ông Paul Lê Hùng nói rằng ông ta đã ký biên bản ghi nhớ tài trợ cho một số địa phương khác.
Theo nguồn tin của chúng tôi, khi tiếp nhận các thông tin tài trợ “khủng” với số tiền hàng chục tỉ USD, cơ quan công an đã vào cuộc xác minh và kết luận: “Không có tập đoàn nào mang tên Diamond Access Inc. ở châu Á - Thái Bình Dương tại Việt Nam”. Thực tế, công ty của ông Paul Lê Hùng chỉ là công ty môi giới, mua bán đá quý.
Ông Paul Lê Hùng nói gì?
Ngân hàng Nhà nước không có chức năng cấp bảo lãnh
Chiều 27-11, phóng viên Báo Người Lao Động đã liên lạc với ông Paul Lê Hùng qua điện thoại. Ông Paul Lê Hùng khẳng định ông là đại diện cho Quỹ Phát triển các dự án về nhân đạo trực tiếp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có nhiệm vụ giới thiệu nguồn vốn tài trợ đến các quốc gia ở khu vực này. Đây là một tổ chức phi chính phủ của Tập đoàn Diamond Access Inc. (trụ sở đặt tại New York - Mỹ). Theo ông Paul Lê Hùng, mỗi quốc gia sẽ nhận khoảng 10 tỉ USD/năm từ quỹ, được chia làm nhiều đợt, mỗi đợt từ 1-3 tỉ USD. Tuy nhiên, để nhận được tiền tài trợ, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh, phân bổ số tiền tài trợ đúng địa chỉ và cam kết chịu trách nhiệm đối với nhà tài trợ về mục đích sử dụng, thời gian hoàn thành dự án.
“Ai sẽ quản lý tiền tài trợ?” - chúng tôi hỏi, ông Paul Lê Hùng đáp: “Việc quản lý và phân bổ vốn tùy theo từng quốc gia, có thể Bộ Tài chính hoặc NHNN. Tôi chỉ là người đem tiền về cho Chính phủ còn việc quản lý và phân bổ vốn cho dự án nào là quyền của Chính phủ” (!).
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động cùng ngày về vụ Diamond Access Inc., một lãnh đạo NHNN cho biết theo quy định của pháp luật, NHNN không có chức năng cấp bảo lãnh cho địa phương hoặc doanh nghiệp vay vốn nước ngoài.
Vài năm trở lại đây, NHNN và Bộ Tài chính từng cảnh báo các địa phương cẩn trọng với các khoản chào cho vay của đối tác nước ngoài. Hình thức phổ biến là các cá nhân tự giới thiệu là đại diện của tổ chức quốc tế đến làm việc với một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để chào cho vay với số tiền lớn, lãi suất thấp hoặc tài trợ không hoàn lại. Điều kiện cho vay là phía Việt Nam phải có bảo lãnh do Bộ Tài chính, NHNN hoặc của các ngân hàng thương mại cấp.
Theo Minh Sơn
Người lao động