Sinh viên tất tả làm thêm kiếm Tết

TP - “Em kiếm tiền để gửi về quê” là câu trả lời của cô SV năm thứ hai Trường Cao đẳng Cộng đồng Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Mai Duyên.
Mai Duyên phục vụ tại nhà hàng Đông Xuyên (TP Vũng Tàu).

Tôi gặp Duyên ở trung tâm tiệc cưới trọn gói nhà hàng Đông Xuyên, thành phố Vũng Tàu. Duyên quê ở xã Diễn Vạn, Diễn Châu, Nghệ An. Đã hai năm, Duyên làm thêm ở nhà hàng Đông Xuyên với công việc chạy bàn tiệc cưới.

Duyên tâm sự: “Không làm thêm lấy gì trang trải? Từ tiền điện, nước, học, thuê nhà hàng tháng cũng mất dăm trăm ngàn. Ở quê, số tiền ấy tương đương với ba tạ muối, bố mẹ em phải làm cật lực dành dụm cả mấy tháng trời.

Nguyễn Tiến Thành, SV năm thứ ba, khoa báo chí – truyền thông, Trường ĐH KHXH & NV Hà Nội, có hơn 100 tin, bài đăng trên các báo lớn. Thành trọ trong một căn phòng rộng hơn chục mét vuông ở ngõ 80, Đường Láng. Căn phòng nhỏ ấy đã gắn bó với gia đình Thành gần 20 năm. Bố Thành là bộ đội về hưu, từng đi khắp phố phường Hà Nội với chiếc xe ba gác, nuôi 4 chị em Thành ăn học.

Tiến Thành tác nghiệp

Sau khi thành phố cấm xe ba gác, cuộc sống gia đình thêm phần khó khăn. Nhưng thật may vì giờ Thành đã phụ giúp bố rất nhiều nhờ nhuận bút. Viết và chụp ảnh không chỉ giúp trang trải cuộc sống mà, quan trọng hơn, Thành đã có tay nghề khá cứng dù còn hơn một năm nữa mới ra trường.

Tống Văn Thành, SV năm cuối của Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM đã 2 năm không về quê ăn Tết. Với Thành, đây là “mùa làm ăn” và dễ kiếm tiền nhất trong năm. Nhà nghèo nên ngay từ ngày đầu bước chân vào trường đại học, Thành đã lên kế hoạch làm thêm.

“Năm đầu em đi rửa bát và chạy bàn phở, năm hai em đi chạy bàn cà phê Tây Nguyên ở ngã tư Hàng Xanh. Năm ngoái em đi phục vụ tiệc cưới. Tết năm nay em đi chở hàng thuê cho các đại lý. Làm ngày chủ nhật được 120 ngàn, nửa ngày 70 ngàn”. Làm thêm cả năm nay, Thành mua được cái xe máy cũ hơn 4 triệu đồng.

Dương Thùy Linh

Dương Thùy Linh, Bí thư Đoàn lớp Nhật 2 k40, Phó Bí thư liên chi Đoàn khoa ngôn ngữ và Văn hoá phương đông, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, nổi tiếng bởi giọng hát và khả năng tiếng Nhật. Cô gái xứ Thanh xuất hiện tại các show truyền hình như Trò chơi âm nhạc, Rung chuông vàng… và đi biểu diễn ở một số trường đại học.

Linh còn tìm những công việc làm thêm để vừa có tiền trang trải, vừa trau dồi kiến thức cho mình như dạy thêm ở các trung tâm tiếng Nhật, làm phiên dịch cho Cty của Nhật. Linh còn làm cộng tác viên Ban tiếng Nhật của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sắp tới bạn sẽ có 3 năm học thạc sĩ tại Nhật Bản theo chương trình học bổng du học của trường.

Bài và ảnh: Lê Hương - Tuấn Cường