Siêu dự án chống ngập 10.000 tỷ về đích trong tháng 10/2020

TPO - Theo báo cáo của Tập đoàn Trung Nam, tổng giá trị xây lắp của dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng tại TPHCM đã đạt hơn 77% và nếu được giao mặt bằng thi công trong tháng 6 thì công trình sẽ về đích vào tháng 10 năm nay.

Sáng 23/5, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã dẫn đầu đoàn công tác trực tiếp thị sát công trường thi công các hạng mục đê kè và cống ngăn triều dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1”.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết tổng khối lượng thi công xây lắp của dự án hiện nay đã đạt trên 77%. Những hạng mục khó nhất của dự án là thi công dưới nước đã hoàn thành. Khối lượng công việc lại chủ yếu là lắp đặt thiết bị.

Hiện nay, việc giải ngân vốn vay đã được khơi thông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay vấn đề khó khăn là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Tại khu vực cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), đã hoàn thành các trụ pin, tháp van và dầm van, đang thi công kè mang cống, công trình phụ trợ... Khu vực trên vẫn còn 18/62 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng thi công.

Lãnh đạo UBND TPHCM kiểm tra công trường thi công cửa van các cống kiểm soát triều

“Nhà đầu tư đã chuyển tiền đền bù đối với những hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dự án cho các địa phương thực hiện. Nếu mặt bằng được bàn giao đầu tháng 6 như kế hoạch của các quận, huyện thì dự án sẽ hoàn thành vào tháng 10 năm nay", ông Tiến cho hay.

Theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè, chính quyền địa phương đang tiến hành chi trả tiền bồi thường cho các hộ dân, dự kiến vào đầu tháng 6 sẽ hoàn thành. Đáng lo ngại là hiện nay, trên địa bàn huyện Nhà Bè tồn tại một công trình xây dựng cầu cảng quy mô lớn thuộc Công ty Cổ phần Kho cảng Xăng dầu Hàng không Miền Nam xây dựng chồng lên dự án chống ngập.

“Qua kiểm tra công trình nêu trên thì dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt nhưng xây dựng không phép và hiện nay có nhiều hạng mục lấn sông Sài Gòn. Chính quyền địa phương đang phối hợp cùng Sở Xây dựng thực hiện kiểm tra và xử lý sai phạm”, ông Tùng cho biết.

Tại cống Cây Khô (huyện Bình Chánh), khối lượng thi công dự án mới đạt 66% vì vướng giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, có một hộ dân ban đầu hồ sơ đền bù đủ điều kiện để nhận 3 nền tái định cư.

Tuy nhiên, UBND huyện sau đó phát hiện hộ dân này có dấu hiệu làm giả hồ sơ nên đã chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra xem xét xử lý. Kết quả là trường hợp nói trên chỉ được nhận một nền tái định cư và kiên quyết không đồng ý.

“Chúng tôi sẽ vận động tiếp tục, nếu không được sẽ tiến hành cưỡng chế và giao mặt bằng cho nhà thầu thi công trước ngày 10/6 tới", ông Hồng cho hay.

Cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè), hạng mục quan trọng nhất của siêu dự án với 4 cửa van.

Tại quận 4, có một hộ dân sau khi "xin thêm" chủ đầu tư 50 triệu đồng lại xin được ở lại bán nước, đồ ăn cho công nhân công trường đến khi công trình thi công vào vị trí đất được giải tỏa thì hộ này sẽ rời đi.

"Vì thấy thương và lúc đó chưa cần mặt bằng nên chúng tôi cho ở lại buôn bán nhưng đến khi lấy đất lại để thi công thì người này lại đòi thêm 600 triệu đồng mới chịu đi", ông Nguyễn Tâm Tiến cho biết.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đánh giá dự án chống ngập do triều là công trình trọng điểm được chính quyền và người dân TPHCM đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, dự án bị một số vướng mắc làm chậm tiến độ nhưng nhà đầu tư đã có nhiều nỗ lực để giải quyết các khó khăn.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu lãnh đạo các quận, huyện phải đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Phương án ưu tiên là thực hiện vận động, thuyết phục người dân bàn giao, sau đó mới tính đến các biện pháp mạnh như cưỡng chế thu hồi.

Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh: Đây là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc chống ngập cho toàn thành phố nên người dân cũng cần phải chia sẻ. Nếu chỉ vì một số cá nhân nhưng ảnh hưởng đến toàn bộ dự án thì không thể chấp nhận được", ông Phong nhấn mạnh.

Về công trình xây dựng cầu cảnh không phép trên sông Sài Gòn, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong chỉ đạo chính quyền địa phương và các sở - ngành liên quan phải kiểm tra, có biên bản rõ ràng và sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó, báo cáo kết quả cho UBND TPHCM trước ngày 5/6 tới.

"Các dự án liên quan đến sông Sài Gòn đều đang gắn với quy hoạch và phải kiểm soát chặt chẽ. Việc xâm lấn đến dòng sông là không thể chấp nhận được. Đó là quan điểm rất rõ ràng của TPHCM. Càng là công ty nhà nước thì càng phải chấp hành tốt", ông Phong nói.