SGK cho Đề án 112: Viện CNTT có tham gia nhưng cá nhân phải chịu trách nhiệm

TP - Trao đổi với Tiền phong, quyền Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin TS Vũ Đức Thi nói: lãnh đạo Viện có ký với Ban Điều hành Đề án 112 về viết sách giáo khoa phục vụ đào tạo trong khuôn khổ Đề án.

Tuy nhiên, ông cho rằng chất lượng sách thế nào, cá nhân người viết và Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm là chính.

Ông Thi nói: Tôi chính thức phụ trách Viện CNTT mới hơn một năm, tức là vào thời điểm Đề án 112 đã kết thúc giai đoạn I. Trước đó, cho đến năm 2003, Viện do GS.TSKH Bạch Hưng Khang lãnh đạo. Từ năm 2003-2006, TS Lê Hải Khôi làm Viện trưởng. Tôi hầu như không biết gì về quan hệ giữa Viện CNTT với Đề án 112.

Tuy nhiên, tôi khẳng định là Viện CNTT không hề nhận được văn bản nào của Ban Điều hành Đề án 112 mời cán bộ của Viện làm việc tại Ban Đề án 112 và Viện cũng không cử ai đến BĐA 112 làm việc. Nếu có ai đến đó làm việc là làm với tư cách cá nhân.

Vậy là các nhà khoa học của Viện tham gia với tư cách cá nhân. Nhưng tại sao sản phẩm của họ (sách) lại thấy đề là Viện CNTT? Đành rằng các nhà khoa học, theo quy định của Chính phủ, có quyền tham gia ký kết hợp đồng khoa học mang tính cá nhân. Nhưng một khi sản phẩm khoa học của cá nhân đứng tên đơn vị mình công tác, ông thấy điều đó có hợp lý không?

Cá nhân nhà khoa học làm gì với Đề án 112, thực tình tôi không biết cụ thể. Và nếu có điều gì đó không phải hoặc sản phẩm làm ra chất lượng không tốt, họ phải chịu trách nhiệm.

Ông không biết họ làm gì với Ban Điều hành Đề án 112? Kể cả một số sách giáo khoa đứng tên Viện CNTT, ông cũng không biết?

Tôi không phụ trách vấn đề này. Tuy nhiên, tôi có biết một vài cuốn do cán bộ Viện viết. Hỏi lại thì tôi được biết năm 2004, TS Lê Hải Khôi, Viện trưởng Viện CNTT hồi đó, có ký hợp đồng viết sách với Ban Điều hành Đề án 112. Sau đó TS Khôi phân công cho từng cá nhân nhà khoa học viết theo khả năng chuyên môn của từng người. Việc phân công đó tôi cho là hợp lý.

Như vậy là Viện CNTT, chứ không phải chỉ cá nhân, có ký hợp đồng công việc với Ban Điều hành 112? Nhưng mà Viện CNTT chỉ có thể tham gia đào tạo chứ làm sao có  kinh nghiệm viết sách giáo khoa?

Đúng là, bên cạnh chức năng nghiên cứu, chuyển giao, chúng tôi còn có thêm chức năng đào tạo. Song, tôi biết nhiều cán bộ của Viện từng tham gia viết sách các loại. Còn chất lượng sách viết thế nào, cá nhân người viết và Hội đồng thẩm định của Ban đề án 112 cử ra thẩm định chịu trách nhiệm chính với bên đặt hàng.

Ký nhận với Ban Điều hành Đề án 112 thì chính Viện CNTT phải đứng ra đảm bảo chất lượng sản phẩm chứ tại sao lại quy trách nhiệm cho người viết? Nhỡ đâu người viết triển khai theo ý cá nhân của họ thì làm thế nào? Còn nhuận bút được bao nhiêu, có trả trực tiếp cho nhà khoa học hay là đưa về Viện, thưa ông?

Không thể viết theo ý cá nhân được mà phải viết theo đề cương do Ban Điều hành Đề án 112 đề ra và phải được Hội đồng thẩm định của Ban Điều hành thông qua.Tiền công ít ỏi lắm, theo đúng quy định của Nhà nước thôi. Viện nhận tiền từ Đề án 112. Một phần nhỏ để lại quỹ. Còn bao nhiêu anh em tham gia viết được hưởng.

Ít ỏi là bao nhiêu ạ?

Tôi không làm nên không biết. TS Lương Chi Mai, Phó Viện trưởng, trực tiếp phụ trách vấn đề này.

Được biết ông từng tham gia Chương trình Quốc gia về CNTT giai đoạn 1996-2000. Lúc đó, hình như ông viết cơ sở dữ liệu (CSDL) thì phải?

Cũng rất ít và đóng vai trò không quan trọng trong toàn bộ chương trình. Hệ thống cơ sở dữ liệu của một chương trình là một hệ thống đồ sộ. Không một cá nhân nào có thể tự làm một mình mà phải là công sức của rất nhiều nhà khoa học tham gia. Tôi chỉ làm một phần nhỏ trong đó.

CSDL nghe nói phải là trái tim của chương trình quốc gia về CNTT. Cũng hệt như vậy đối với đề án tin học hóa nền hành chính quốc gia. Xin hỏi chất lượng CSLD mà ông xây dựng được đánh giá thế nào. Chúng có thể chuyển sang dùng cho Đề án 112 không?

Cũng tầm thường thôi. Về mặt khoa học, CSDL không phải là trái tim của Chương trình quốc gia về CNTT. Đồng thời về mặt khoa học, cũng không thể chuyển từ hệ thống nọ sang hệ thống kia được.

Ông đánh giá Chương trình Quốc gia về CNTT trước đó và Đề án 112 thế nào? Theo ông, có nên làm tiếp một đề án về CNTT nữa không?

Tiếc là cả hai chương trình đều chưa đạt được mục tiêu đề ra do có quá nhiều khó khăn. Còn một đề án khác trong tương lai là cần thiết. Nhưng nhất thiết phải ngồi lại để rút kinh nghiệm trước khi phác thảo cái mới.

Cám ơn ông.

Quốc Dũng
(thực hiện)