Chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, đại diện lãnh đạo một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trụ sở tại thành phố Tân Uyên (Bình Dương) cho biết, thời gian qua, công ty gặp khó khăn trong hoạt động vì người lao động nước ngoài chậm được cấp phép lao động tại địa phương. “Theo quy định, tính từ ngày nộp hồ sơ đến khi có kết quả là 5 ngày. Tuy nhiên, hồ sơ chúng tôi nộp 2 tháng vẫn chưa có kết quả”- đại diện một doanh nghiệp (xin không nêu tên) chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH G.K (Bình Dương) cho biết, tình trạng chậm cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài bắt đầu xảy ra kể từ sau khi cựu Giám đốc Sở LĐTB-XH Bình Dương Lê Minh Quốc Cường và những cán bộ liên quan bị bắt (tháng 7/2022) vì sai phạm trong quá trình cấp phép lao động. “Trước đây, doanh nghiệp nộp hồ sơ, được thông báo trả kết quả sau một tuần, hoặc trễ hơn một chút. Thời gian từ cuối năm 2022 đến nay, hồ sơ nộp 2 tháng chưa nhận được kết quả”- ông Bình cho hay.
Trước những than thở của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, mới đây tại cuộc họp HĐND tỉnh Bình Dương, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nhung (Tổ đại biểu TP Tân Uyên) đã đề cập việc chậm trễ cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Bình Dương có hơn 63.600 doanh nghiệp, trong đó trên 4.100 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), do đó địa phương này cần lượng lớn lao động người nước ngoài, gồm chuyên gia, kỹ sư... Theo phân cấp quản lý, lao động nước ngoài ở doanh nghiệp trong khu công nghiệp do Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh thẩm định, cấp giấy phép lao động, còn lại do Sở LĐTB-XH tỉnh cấp.
Vào tháng 7/2022, ông Lê Minh Quốc Cường,cựu Giám đốc Sở LĐTB-XH Bình Dương bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; ông Nguyễn Kiên Cường, chuyên viên sở này bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”. Tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra giữa tháng 10/2023, Nguyễn Kiên Cường khai khi nhận hối lộ 8,3 tỷ đồng, bị cáo này đã chia lại cho lãnh đạo Sở là ông Lê Minh Quốc Cường, song cựu giám đốc phủ nhận. Ông Lê Minh Quốc Cường sau đó bị tuyên 2,5 năm tù, trong khi đó thuộc cấp bị tuyên 16 năm tù .
Thời gian qua, tắc nghẽn ở khâu cấp mới, cấp lại giấy phép lao động cho lao động nước ngoài khiến không ít doanh nghiệp ở Bình Dương gặp khó khăn, sản xuất bị ảnh hưởng. Với người lao động nước ngoài, giấy phép lao động quá hạn sẽ khó gia hạn visa, người lao động bị xử phạt, từ đó để lại dấu ấn không tốt trong hồ sơ xuất, nhập cảnh. Do đó, các doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị lãnh đạo tỉnh Bình Dương xem xét, hỗ trợ.
Áp lực từ trong ra ngoài
Liên quan đến cấp phép lao động, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH tỉnh Bình Dương Phạm Văn Tuyên thừa nhận thời gian qua có chậm trễ, xuất phát từ nguyên nhân khách quan và chủ quan. Theo ông Tuyên, khi bắt đầu xảy ra vụ án sai phạm liên quan đến cấp phép lao động, sở này đã rà soát tất cả quy trình, các bước và để chấn chỉnh lại, “không vì hỗ trợ doanh nghiệp” mà bỏ qua bước nào.
“Thời gian qua, chúng tôi bị hai áp lực, một mặt phải cấp phép lao động kịp thời cho doanh nghiệp, mặt khác phải đảm bảo đúng thủ tục, quy định. Trên tinh thần đó, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy trình phối hợp giữa các ngành liên quan trong việc cấp phép cho người lao động nước ngoài”- ông Tuyên nói và cho biết theo quy chế này, các ngành sẽ phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin, xác định các vấn đề trước khi cấp phép.
Theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH Bình Dương, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh ủy quyền lại cho Sở và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Trước đây, thẩm quyền do UBND tỉnh, việc này mất thời gian hơn.
Về nguyên nhân khách quan chậm trễ cấp giấy phép lao động, theo lãnh đạo Sở LĐTB-XH Bình Dương do Nghị định số 152 của Chính phủ có nhiều nội dung mới, thay thế Nghị định số 11. Trong đó, quy định về xác nhận kinh nghiệm làm việc, thời gian, các mẫu hồ sơ. Việc xác minh, xác nhận các doanh nghiệp trên địa bàn có đúng theo hồ sơ hay không mất rất nhiều thời gian, phải thực hiện kỹ và rút kinh nghiệm từ sai phạm trước đây.
Về nguyên nhân chủ quan, phòng chuyên môn tham mưu công tác cấp giấy phép lao động được giao biên chế giảm từ 17 người còn 12 người nhưng phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác (lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, hoà giải lao động) dẫn đến quá tải công việc. Trong khi để thực hiện nhiệm vụ này đòi hỏi phải có chuyên môn vững, nghiên cứu sâu, nắm chắc pháp luật để thực hiện đúng quy định. Để tháo gỡ khó khăn, Sở LĐTB-XH Bình Dương ngoài tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ, Chính phủ điều chỉnh, bổ sung Nghị định số 152, sẽ sắp xếp, bố trí đội ngũ thực hiện nhiệm vụ chuyên nghiệp.