Satra đẩy mạnh thị trường bán lẻ

Với diện tích sàn gần 30 ngàn mét vuông, quy mô 6 tầng nổi và 1 tầng hầm, dự án Trung tâm Thương mại Satra Võ Văn Kiệt (Centre Mall Võ Văn Kiệt) có quy mô lớn nhất trong chuỗi hệ thống bán lẻ của SATRA, sẽ là bước gia nhập sâu hơn của doanh nghiệp này trong mục tiêu chiếm lĩnh thị phần trên thị trường bán lẻ.

“Cuộc chơi” không dành cho kẻ yếu

Thị trường bán lẻ Việt Nam tựa miếng bánh béo bở. Theo thống kê từ Bộ Công thương, năm 2023, quy mô thị trường bán lẻ nước ta đã vượt 180 tỷ USD, tăng nhanh trên 26% so với 2022. Bộ này cũng dự báo, vào năm 2025, con số này khả năng sẽ chạm mốc 350 tỷ USD, đồng thời sẽ đóng góp tới 59% GDP cả nước. Trước đó, năm 2021, ATKearney cũng từng xếp Việt Nam đứng thứ 9 trong 35 quốc gia về Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (GRDI).

Với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% thuộc nhóm dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và nhanh nhạy đón nhận cái mới, Việt Nam đang sở hữu nhiều lợi thế khiến nhiều tập đoàn bán lẻ ngoại phải thèm khát.

Mới đây, một tập đoàn bán lẻ đến từ Thái Lan cho biết sẽ đầu tư thêm 1,45 tỷ USD vào thị trường Việt Nam trong 5 năm tới. Tập đoàn khác đến từ Nhật, cũng đang có kế hoạch triển khai thêm hàng chục dự án. Mảng bán lẻ được dự báo sẽ hút mạnh nhiều ‘ông lớn’ mạnh tay chi tiền khủng nhằm nhân rộng điểm bán, tăng độ phủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.

Mảng bán lẻ được dự báo sẽ hút mạnh nhiều ‘ông lớn’ mạnh tay chi tiền khủng nhằm nhân rộng điểm bán, tăng độ phủ, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Ảnh chụp tại Satramart Siêu thị Sài Gòn. Ảnh: SATRA

Điều này cho thấy, nếu doanh nghiệp bán lẻ nội địa không đẩy mạnh mạng lưới phân phối, chậm chân trong việc đầu tư các đại siêu thị sẽ càng khó tìm được vị thế. Nhất là trong bối cảnh, các điều kiện như nguồn vốn, quỹ đất, sự hợp tác của các nhà phân phối… là điều mà không nhiều nhà bán lẻ trong nước có thể đạt được.

Tuy nhiên, thực tế, cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ giữa doanh nghiệp nội và ngoại không diễn ra một chiều. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã có các chiến lược, hướng đi mới nhằm ‘so găng’ với các nhà đầu tư ngoại, tránh sự thua thiệt ngay trên sân nhà. Đó là lý do vì sao nhiều năm nay, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH Một Thành viên (SATRA) luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ bên cạnh các mục tiêu: tập trung tái cơ cấu ngành hàng; đảm bảo nguồn cung hàng hóa đa dạng; liên tục cập nhật các xu hướng, thị hiếu tiêu dùng hiện đại…

Công ty hiện có hai trung tâm thương mại (Centre Mall Phạm Hùng và Centre Mall Củ Chi), ba siêu thị (Satramart Siêu thị Sài Gòn, siêu thị Phạm Hùng, siêu thị Củ Chi) cùng chuỗi gần 200 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satra (gọi tắt là Satrafoods) trải rộng trên địa bàn TP.HCM và TP Cần Thơ. Quý 4 tới đây, SATRA dự kiến khai trương trung tâm thương mại (TTTM) Satra Võ Văn Kiệt (Centre Mall Võ Văn Kiệt) tại vị trí 1466 đường Võ Văn Kiệt, phường 3, quận 6, TP.HCM, bổ sung mảnh ghép còn thiếu trong mạng lưới phân phối của doanh nghiệp.

Hình phối cảnh TTTM Satra Võ Văn Kiệt tại 1466 đường Võ Văn Kiệt, phường 3, quận 6, TP.HCM.

Centre Mall Võ Văn Kiệt sẽ tích hợp nhiều tiện ích hoàn hảo dành cho gia đình như Satramart siêu thị tự chọn, nhà hàng, rạp chiếu phim, khu vui chơi thiếu nhi, trung tâm giáo dục, trung tâm tiêm chủng… Với số tiền đầu tư hơn 700 tỷ đồng, đây được xem là bước đi lớn của SATRA, điểm nhấn đặc biệt trong mục tiêu đón đầu xu thế, chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, đồng thời thể hiện sự nhập cuộc, khẳng định vị thế của doanh nghiệp nội.

Lấy sự chuyên nghiệp làm điểm mạnh

Trước yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, sức ép cạnh tranh lớn, sự chuyên nghiệp trong phục vụ và vận hành là điều được SATRA coi trọng, là điểm nhấn tạo nên thế mạnh riêng của doanh nghiệp.

Với kinh nghiệm thực tiễn bán lẻ được đúc kết qua quá trình dài đầu tư và vận hành nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, SATRA tự tin có đội ngũ nhân sự chuyên môn sâu, kinh nghiệm phong phú, nhiệt huyết. Tại Centre Mall Võ Văn Kiệt, SATRA sẽ lựa chọn đội ngũ nhân sự nội bộ có kinh nghiệm và năng lực tốt nhất để trực tiếp phát triển, vận hành dự án.

Sự chuyên nghiệp, thân thiện từ mỗi nhân viên của SATRA không chỉ giúp khách hàng có trải nghiệm tuyệt vời mà còn tạo nên phong cách, điểm nhấn ở mỗi điểm bán, dù là cửa hàng nhỏ hay tại TTTM lớn.

Ngày nay, đến với các TTTM, khách không chỉ đơn thuần “đi chợ”, mua sắm hàng hoá, mà còn đến để giải trí, thư giãn, vui vẻ bên gia đình, bạn bè, tận hưởng ngày nghỉ tuyệt vời. Theo đó, SATRA luôn quy hoạch, bài trí gian hàng không chỉ khoa học mà còn tạo nên sự hấp dẫn cho khách hàng.

Sự chuyên nghiệp, thân thiện từ mỗi nhân viên của SATRA không chỉ giúp khách hàng có trải nghiệm tuyệt vời mà còn tạo nên phong cách, điểm nhấn.. Ảnh: SATRA.

“Khi phát triển các dự án TTTM, SATRA luôn nghiên cứu thị trường khu vực kỹ lưỡng nhằm đảm bảo việc quy hoạch phân bổ ngành hàng tổng thể của dự án, từng vị trí gian hàng cụ thể nhằm đảm bảo khi vận hành đây sẽ là những điểm đến thu hút, đáp ứng đầy đủ, đa dạng mọi nhu cầu khách hàng đến vui chơi, học tập, ăn uống, mua sắm và kiến tạo thành công chung cho các đối tác thuê và Satra”, bà Phạm Thi Vân, Phó Tổng Giám đốc SATRA chia sẻ.

Sự chuyên nghiệp của SATRA còn thể hiện ở việc doanh nghiệp luôn duy trì mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, bền vững với các thương hiệu bán lẻ, các nhà cung cấp, phân phối. Ngay tại TTTM chuẩn bị ra mắt, các đối tác đồng hành lâu năm cùng SATRA không chỉ bảo đảm tỉ lệ lấp đầy mặt bằng kinh doanh mà họ được ưu tiên lựa chọn các vị trí đẹp, thuận lợi để khai thác kinh doanh và trưng bày sản phẩm; được hỗ trợ một số chính sách như ưu đãi giá thuê, triển khai vận hành, quảng cáo thương hiệu…

Chưa dừng ở đây, SATRA còn có chiến lược thu hút đa dạng hóa các nhóm khách hàng, đẩy mạnh nhiều hình thức ưu đãi cho thành viên, từ đó đưa các TTTM Satra trở thành điểm yêu thích của nhiều phân khúc khách hàng nhằm đáp ứng thị hiếu thưởng thức ngày càng tinh tế của người tiêu dùng.

Với hướng đi nỗ lực, đầy nhiệt huyết, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một Thành viên kỳ vọng nâng cao sự hiện diện trên thị trường bán lẻ, từng bước thiết lập thế cân bằng giữa doanh nghiệp nội và ngoại, tránh sự thua thiệt không đáng có, đồng thời tạo đà cho sự phát triển nền kinh tế nước nhà.

Kết thúc 6 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp đạt trên 27 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 4 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu khoảng 57 ngàn tỷ đồng và gần 10 ngàn tỷ đồng lợi nhuận cho cả năm 2024.