Sập bẫy việc nhẹ lương cao

TP - Gần đây, nhiều người dân, nhất là thanh thiếu niên tin vào những lời mời chào, hứa hẹn hấp dẫn “việc nhẹ lương cao” rồi bị lừa sang Campuchia, các gia đình phải mất hàng trăm triệu đồng để chuộc con em về.

Gia đình em T.T.V (17 tuổi, TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh) vừa đến cơ quan công an trình báo sau hành trình từ Campuchia trở về Việt Nam của V. Hồi tháng 4, thông qua hội tìm việc làm trên mạng xã hội, V được một người đàn ông giới thiệu làm quản lý quán Internet ở TPHCM với mức lương 25 triệu đồng/tháng. Không chần chừ, V xin phép gia đình để đi. Mặc dù cha mẹ không đồng ý vì không tin đó là sự thật, nhưng V vẫn trốn đi trong đêm.

Lên đến TPHCM, V liên hệ với người nhận việc. Trong đêm đó, V cùng một vài người khác “cùng chí hướng” bị đưa đến một nhà nghỉ gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Đến khuya thì tất cả được đưa vào rừng cao su, chờ thời cơ để vượt biên sang Campuchia. Dù cảm thấy có chuyện chẳng lành nhưng V không thể liên lạc với gia đình vì bị các đối tượng giám sát.

Gia đình em T.T.V đến trình báo cơ quan công an. Ảnh: Mộng Tuyền

Sang đến Campuchia, V bị đưa đến một tòa nhà cao tầng và bị nhốt vào một phòng cùng với 8 người khác ở các tỉnh khác nhau từ Việt Nam sang. Tại đây, V cùng những người chung cảnh ngộ có nhiệm vụ lên mạng xã hội lừa đảo những người Việt Nam khác bằng hình thức chốt hàng online.

Thời gian làm việc từ sáng sớm đến 10 giờ đêm và không được di chuyển ra khỏi phòng. Nghe những người cùng phòng kể, V biết đã bị lừa, càng sợ hãi hơn khi nghe nói đã có người bị bán 2-3 lần. V tìm cách liên hệ với gia đình và nói rõ sự thật, đồng thời hỏi cần yêu cầu gì để được trở về Việt Nam thì được biết điều kiện là trả 2.500 USD. Gia đình khó khăn, cha mẹ V phải vay mượn rồi chuyển khoản cho đối tượng để V được về.

Trước đó vài ngày, một thanh niên quê ở Hà Giang cùng phòng với V cũng được gia đình chuộc về. Thuật lại hết hành trình, V vô cùng ân hận khi đã không nghe lời cha mẹ, tin vào lời chào mời “việc nhẹ lương cao”.

Cảnh báo của Công an tỉnh Đồng Tháp về thủ đoạn mới về mua bán người

“Gia đình cũng liều, nhưng nếu chần chừ thì tiền chuộc có thể lên đến 5 ngàn hay 10 ngàn đô la như những người khác thì mình không thể gánh nổi. Hơn nữa cũng lo nếu để lâu con mình sẽ bị đánh đập hay bán sang chỗ khác thì không biết sao nữa”, chị M.H.T (mẹ của V) nói.

Thủ đoạn mới của bọn buôn người

Một trường hợp khác là H.T.H (21 tuổi, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng). Đầu tháng 5, H được một người bạn tên T rủ đi Tây Ninh để làm việc tại một công ty do T tìm hiểu trên mạng. Sau đó cả hai lên TPHCM thì có xe của những người tự xưng từ công ty ở Tây Ninh đến đón. Đến Tây Ninh, H và T được đưa đến một địa điểm không rõ địa chỉ và được dạy cho các thao tác sử dụng máy vi tính, với mục đích huấn luyện để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online.

Hai ngày sau, các đối tượng thông báo đã hoàn thành xong khóa đào tạo nên đưa H và T đi làm việc, cả hai được đưa lên xe lúc nửa đêm, khi tỉnh giấc thì đã ở Campuchia. H và T bị đưa đến hai nơi khác nhau tại một tòa nhà cao tầng và không được ra ngoài tiếp xúc với ai. H tiếp tục được huấn luyện thêm vài ngày và sau đó bị các đối tượng buộc thực hiện các hành vi lừa đảo trên mạng.

H kể, nếu không chịu làm việc hoặc làm không đạt các chỉ tiêu thì sẽ bị phạt, có khi bị chích điện đến ngất xỉu. H tìm mọi cách để liên lạc với người thân, sau đó, người nhà của H phải chuyển cho các đối tượng số tiền trên 80 triệu đồng để H được cho về...

Công an tỉnh Đồng Tháp trong tháng 6 phát đi cảnh báo về thủ đoạn lừa người dân sang Campuchia lao động. Thực chất là thủ đoạn mới của bọn mua bán người, đứng sau là các đối tượng đưa ra các lời mời chào hấp dẫn, cơ hội đổi đời như: thu nhập ổn định, hơn 20 triệu đồng/tháng, không tốn chi phí, không yêu cầu kinh nghiệm, chỉ cần biết đánh máy, công việc nhẹ nhàng…

Thực tế sau khi đặt chân đến xứ người phải đối mặt với những điều khủng khiếp như: bị đưa vào các sòng bạc làm việc 15-16 giờ/ngày hoặc được giao các công việc lừa đảo qua mạng xã hội; bị ép lôi kéo thêm người tham gia theo “chỉ tiêu”; chịu sự quản thúc và thường xuyên bị đánh đập; nếu bỏ trốn sẽ bị đánh đập và bán sang cơ sở khác và tiếp tục bị bóc lột; muốn về phải nộp tiền chuộc lên đến hàng trăm triệu đồng…