Sân chơi thiết thực cho giới trẻ yêu bóng rổ

VCK toàn quốc Giải bóng rổ U17 Quốc gia Cúp Cool Air năm 2011 đã khép lại sau gần một tuần tranh tài sôi nổi. Điều ghi nhận sau những giải đấu như thế này là tinh thần thể thao hào hứng của các VĐV cùng các đội tham dự.

VCK toàn quốc Giải bóng rổ U17 Quốc gia Cúp Cool Air năm 2011 đã khép lại sau gần một tuần tranh tài sôi nổi. Điều ghi nhận sau những giải đấu như thế này là tinh thần thể thao hào hứng của các VĐV cùng các đội tham dự.

Mở rộng…

Giải đấu U17 Quốc gia có chất lượng chuyên môn rất tốt..

Giải bóng rổ U17 Quốc gia – Cúp Cool Air năm 2011 là giải đấu năm lần thứ hai liên tiếp được Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Báo Thiếu Niên Tiền Phong, Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn và Nhà tài trợ sing-gum COOL AIR phối hợp tổ chức.

Với sự tham dự của 120 đội bóng đến từ 30 tỉnh thành trên cả nước, đây là giải đấu quy mô nhất từ trước tới nay trong môn bóng rổ, vốn được coi là môn thể thao “hạng 3” ở Việt Nam.

VCK toàn quốc năm nay quy tụ 15 đội bóng rổ trẻ (8 đội nam và 7 đội nữ) xuất sắc nhất, được tuyển chọn qua 4 vòng thi đấu khu vực trong cả nước gồm: miền Bắc, miền Trung- Tây Nguyên, TP.HCM và miền Tây Nam Bộ.

Các đội bóng góp mặt ở Vòng chung kết toàn quốc (VCK) phải lần lượt trải qua vòng sơ loại, vòng thi đấu khu vực đầy cam go, kéo dài từ đầu năm cho tới hết tháng 6/2011.

Nhờ liên tục được “thử lửa” theo “độ khó” tăng dần, vậy nên các trận đấu tại VCK toàn quốc vừa qua đều có chất lượng chuyên môn được đánh giá cao.

…và nâng cao

Dù là môn thể thao Olympic có chiều dày lịch sử trên 100 năm, nhưng có thể nói phong trào bóng rổ tại Việt Nam còn khá mới mẻ. Tín hiệu đáng mừng là bóng rổ đã và đang phát triển mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt tại những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Cuộc thi “Sôi động sàn đấu” được tổ chức song song đã đem lại không khí cổ vũ hào hứng cho giải đấu..

Vì vậy, không chỉ tăng lên về số lượng các đội bóng tham dự giải năm nay, mà theo ông Nguyễn Quốc Quân – Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Phó trưởng ban Thường trực BTC Giải cho biết: “Về chất lượng năm nay có thuận lợi là hiện nay phong trào tập luyện bóng rổ của giới trẻ, đặc biệt là của học sinh, sinh viên tham gia nhiều hơn, đông hơn. Vì vậy chất lượng thi đấu của các đội bóng cũng được nâng cao.

Có thể thấy rõ chất lượng của các VĐV năm nay đã có những thay đổi tích cực trong các trận đấu, tầm vóc của các VĐV cũng được cải thiện rõ rệt. Tại giải đã có những VĐV cao tới 1m96, một vài VĐV ở tầm cao trên 1m90 và chiều cao trung bình của các đội nam là xấp xỉ 1m80. Với các đội nữ chiều cao trung bình là 1m65.

“Về kĩ thuật, chiến thuật thi đấu của các đội cũng thể hiện rõ kĩ năng của các VĐV tốt hơn do được tập luyện thường xuyên tại địa phương. Phần lớn các HLV bóng rổ cũng đều có trình độ hiểu biết và tiếp cận được với lối chơi hiện đại, góp phần làm tăng chất lượng các trận đấu tại Giải năm nay...”.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Quân, giải đấu Cúp Cool Air năm 2011 dành cho lứa tuổi 17, nhưng có nhiều VĐV tham dự mới chỉ 14 đến 16 tuổi. Vì thế ngay sau khi kết thúc VCK toàn quốc – Giải bóng rổ U17 Quốc gia – Cúp Cool Air năm 2011, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam sẽ có ngay Quyết định triệu tập các cầu thủ nam xuất sắc trong độ tuổi 16 để tập trung đội U16 QGa tham dự Giải Vô địch U16 châu Á do Việt Nam đăng cai tại Khánh Hòa trong tháng 10/2011.

Đội U17 nam Q.Tân Bình lần thứ 2 liên tiếp giành ngôi Vô địch..

Một nét mới của Giải bóng rổ Cúp Cool Air năm 2011 là cuộc thi “Sôi động sàn đấu” đã được tổ chức song song cùng với các trận đấu bóng rổ. Các đội cổ vũ xuất sắc nhất đã được BTC mời về biểu diễn tại Vòng chung kết toàn quốc.

Sân chơi thiết thực cho giới trẻ yêu bóng rổ

Với những ý nghĩa thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển phong trào bóng rổ, góp phần nâng cao thể lực và tầm vóc cho giới trẻ Việt Nam, Giải bóng rổ U17 Quốc gia – Cúp Cool Air còn là một sân chơi đầy sảng khoái dành cho các bạn trẻ trong mỗi dịp hè. Bà Đinh Kim Tuyết –đại diện Nhà tài trợ Cool Air chia sẻ: “Xuất phát từ mong muốn là giúp các em học sinh Việt Nam có một sân chơi thể thao lành mạnh, góp phần từng bước chuyên nghiệp hóa nền bóng rổ nước nhà và nâng cao tinh thần thể thao học đường. Trong tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét để có kế hoạch sớm tài trợ cho những mùa giải tiếp theo...”.

Hi vọng trong tương lai, bóng rổ nói riêng và những môn thể thao tương tự cũng sẽ được quan tâm đầu tư nhiều hơn nữa. Có lẽ chưa cần nói tới “chỉ tiêu vàng bạc, thứ hạng quốc tế” – mà điều quan trọng hơn cả là đầu tư đúng mức và xứng đáng để tạo được những sân chơi lành mạnh cho thanh thiếu nhi học sinh – những chủ nhân tương lai của đất nước.

P.V

Theo Viết