Rốt cuộc Thái Lan mạnh đến đâu, có thể cản được Xuân Son và các đồng đội?

TPO - Vào chiều nay, 31/12, ĐT Thái Lan sẽ có mặt ở Việt Nam, sẵn sàng cho trận chung kết lượt đi ASEAN Cup 2024 diễn ra vào ngày 2/1/2025. Trước khi trận đấu đáng xem nhất Đông Nam Á diễn ra, hãy cùng khám phá sức mạnh của Bầy voi chiến, rào cản cuối cùng của ĐT Việt Nam trên hành trình chinh phục ngôi vô địch. 

Khá ngạc nhiên khi qua 14 kỳ giải đấu lớn nhất Đông Nam Á được tổ chức, đây mới là lần thứ ba Việt Nam và Thái Lan gặp nhau ở chung kết. Điều này một phần vì đội tuyển của chúng ta vào chung kết ít quá, chỉ 5 lần. Trong khi đó người Thái góp mặt tới 11 lần.

Tuy nhiên không có gì phải mặc cảm. Nhất là khi lịch sử đang thay đổi. Trước đây ĐT Việt Nam phải đợi 10 năm cho một lần vào chung kết (1998, 2008 và 2018. Chu kỳ này bị phá vỡ vào năm 2022, tức quay lại chung kết sau 4 năm. Năm nay chúng ta lại thiết lập cột mốc mới, lần đầu tiên chơi hai trận chung kết ở hai kỳ liên tiếp. Thói quen đi tới trận cuối cùng đang hình thành, và bây giờ, tất cả hy vọng đội tuyển sẽ tạo dựng thói quen vô địch.

Chỉ có điều, để đăng quang kỳ này phải đánh bại Thái Lan. Không nghi ngờ, đây là đối thủ lớn nhất của ĐT Việt Nam trong lịch sử. 29 lần chạm trán Bầy voi chiến, chúng ta chỉ thắng 3 trận ít ỏi, đạt tỷ lệ thắng 10,3% trong khi thua tới 18 trận. Tính riêng ở mặt trận ASEAN Cup (trước đây là AFF Cup), ĐT Việt Nam thua Thái Lan 7/13 lần đối đầu và thắng 2 trong số đó.

ĐT Việt Nam ghi bàn dẫn trước nhưng lại để thua 1-2 trước Thái Lan trong trận giao hữu hồi tháng 9.

Liệu lần này đội tuyển có làm tốt hơn dưới sự dẫn dắt của HLV Kim Sang-sik? Trước khi trả lời, hãy khám phá sức mạnh của Bầy voi chiến, rằng họ có tốt hơn phiên bản 2022 và 2020?

Đúng là năm nay Thái Lan không có sự hiện diện của những ngôi sao hàng đầu, như Chanathip Songkrasin, Teerasil Dangda và Theerathon Bunmathan. Mặc dù vậy, cũng phải lưu ý những người này đã qua tuổi 30, trong khi HLV Masatada Ishii đang xây dựng ĐT Thái Lan cho những mục tiêu tương lai.

Điều này cũng giống như đội tuyển Việt Nam đã và đang làm. Tại ASEAN Cup 2024, không ít cầu thủ tên tuổi thuộc dạng công thần phải ở nhà, như Văn Lâm, Quế Ngọc Hải, Hùng Dũng và Công Phượng. Trước giải đấu, chỉ có 4/26 cầu thủ của HLV Kim Sang-sik đã chơi trên 50 trận cho ĐTQG.

ĐT Thái Lan hiện tại nhằm hướng đến tương lai, trước mắt là vòng loại Asian Cup 2027.

Tuy vậy, không nghi ngờ gì về tham vọng vô địch của Bầy voi chiến. Đội hình của HLV Ishii là tập hợp những tài năng tốt nhất Thái Lan hiện tại, đồng thời có sự đan cài giữa lứa trẻ tài năng và các cầu thủ kinh nghiệm. Có thể kể ra những cái tên như Ekanit Panya, Nicholas Mickelson, Supachok Sarachat, đội trưởng Peeradon Chamratsamee và đặc biệt, ngôi sao Suphanat Mueanta.

Sẽ rất sai lầm nếu nghĩ Thái Lan đang sử dụng đội hình hai và chơi hời hợt ở giải đấu họ vô địch quá nhiều (7 lần). Cũng càng không thể khẳng định điều này thông qua các trận đấu khó khăn họ vừa trải qua. Như ở trận bán kết lượt về với Philippines, người Thái áp đảo toàn diện và ghi được 2 bàn thắng, trước khi chủ động kéo đội hình xuống thấp để rồi nhận bàn thua. Tuy nhiên khi họ đẩy lên, bàn thắng lại tới và thẳng tiến vào chung kết.

Sau 6 trận, Thái Lan đang đứng đầu ở mọi chỉ số quan trọng. Họ là đội ghi nhiều bàn thắng nhất (22), cầm bóng nhiều nhất (57,2%) và dứt điểm (110) cũng như tạo ra nhiều cơ hội ngon ăn nhất (27).

Trong tất cả các trận đấu, người Thái luôn biết làm thế nào để chọc thủng lưới đối phương với 10 cầu thủ có tên trong danh sách lập công. Sau một năm được dẫn dắt bởi chiến lược gia người Nhật, lối chơi của họ trở nên khoa học hơn dựa trên phong cách tấn công chủ động và kiểm soát bóng. Với tốc độ và di chuyển linh hoạt, Thái Lan khai thác tối đa chiều rộng của sân để mở ra các khoảng trống.

Thái Lan chuẩn bị chơi trận chung kết ASEAN Cup thứ 11 trong lịch sử.

Ở trận bán kết lượt về với Philippines, bàn đầu tiên xuất phát từ pha leo biên của hậu vệ cánh phải Suphanan Bureerat, sau đó chọc khe để tiền vệ cánh Seksan Ratree thoát xuống đáy biên, chuyền ngược ra và Peeradon Chamratsamee nhanh chân sút tung lưới thủ môn Quincy Kammeraad.

Bàn thắng này gây ra nhiều tranh cãi, nhưng chắc không ai phàn nàn gì về bàn thứ hai. Weerathep Pomphan cướp bóng ngay bên phần sân Philippines và ngay lập tức tung ra đường chuyền xuyên tuyến để Patrik Gustavsson bứt phá và dứt điểm thành công.

Trong hiệp phụ, khi thời gian còn lại rất ít, Thái Lan đã cho thấy bản lĩnh cùng sự điềm tĩnh đáng kinh ngạc. Thay vì nóng vội và nhồi bóng vô tội vạ vào khu cấm địa, họ nhẫn nại bóc tách hàng thủ đối phương và chờ khoảnh khắc xô lệch để ra đòn kết liễu.

Phút 116, thời điểm bóng được chuyền ngược lại Worachit Kanitsribampen, các hậu vệ Philippines vội ra di chuyển lên. Vào lúc anh này chạy vòng qua Kristensen, tiếp tục hút các bóng áo trắng, 3 cầu thủ Thái âm thầm chờ đợi trong vòng cấm nhưng chỉ có 2 hậu vệ Philippines theo kèm. Cuối cùng đường chuyền của Worachit cũng đến và Mueanta bật cao, kết liễu giấc mơ lần đầu vào chung kết của bóng đá xứ nghìn đảo.

Người Thái luôn rất giỏi khám phá khoảng trống và hiệu quả trong các pha dứt điểm cuối cùng.

Bây giờ, Mueanta đang là ngôi sao của giải đấu khi tham gia vào nhiều bàn thắng nhất, với 4 pha lập công và 4 kiến tạo. Cầu thủ 22 tuổi là tâm điểm của các đợt công và trở thành mối đe dọa thường trực cho mọi hàng thủ bởi kỹ thuật cùng trí sáng tạo. Điều đáng sợ là ngay cả khi không đạt thể lực tốt nhất, như việc bị ốm trước trận gặp Philippines, Mueanta vẫn tạo ra sự khác biệt.

Hàng thủ mới chỉ thủng lưới 3 bàn, ít nhất giải đấu, của ĐT Việt Nam sẽ đối mặt với thử thách cực đại trong hai trận chung kết. Những sai sót cá nhân và khoảng trống mênh mông trước vòng cấm chưa bị đối thủ khai thác ở các trận trước cần hạn chế tối đa, trong khi cũng phải chú ý các tình huống bóng hai, bởi các chân sút của Thái Lan không bao giờ ngần ngại tung ra các cú sút có độ chính xác cao.

Tuy nhiên Thái Lan cũng có điểm yếu. Dưới thời HLV Ishii, sự cân bằng giữa tấn công và phòng ngự chưa được thiết lập, đồng thời Bầy voi chiến dễ tổn thương trước các tình huống phản công.

Dù rất mạnh nhưng Thái Lan cũng có những nhược điểm.

4 trận đã qua họ luôn bị thủng lưới, dù đối thủ chỉ là Campuchia, Singapore và Philippines. Các hậu vệ của Thái Lan khá chậm và không giỏi xoay xở. Ngoài ra, nguyên nhân còn đến từ việc chiến lược gia người Nhật khá giống HLV Kim Sang-sik, rất tích cực xoay tua. Sự xáo trộn đội hình thường xuyên, đặc biệt ở vị trí hai trung vệ, dẫn đến việc thiếu gắn kết và bọc lót đồng bộ.

Thêm một vấn đề lớn khác, chính là thể lực của các tuyển thủ Thái. Họ có xu hướng suy giảm trong nửa sau trận đấu, để rồi nhận 3 bàn thua trong những phút cuối cùng ở 3 trận đã qua. Tình hình càng trở nên tệ hơn khi Bầy voi chiến vừa trải qua 120 phút căng như dây đàn trước Philippines. Họ chỉ có 3 ngày để chuẩn bị cho trận chung kết lượt đi, bao gồm cả thời gian di chuyển.

Mặc dù vậy, trong mọi hoàn cảnh đừng bao giờ đánh giá thấp Thái Lan. Trận đấu tại Mỹ Đình hồi tháng 9, cũng là cuộc chạm trán đầu tiên giữa HLV Kim Sang-sik và HLV Ishii là một lời nhắc nhở. Tuy là trận giao hữu nhưng Việt Nam rất muốn thắng, nhưng không thể, thậm chí thua ngược đội hình B của Thái Lan.

Để điều này không lặp lại, đội tuyển cần một kế hoạch công phu và màn trình diễn tốt nhất từ những cầu thủ chơi với hơn 100% sức lực. Tất nhiên, cũng phải có thêm chút may mắn, như khoảnh khắc Lê Công Vinh đánh đầu tung lưới Thái Lan năm 2018 trong lần đầu chúng ta lên ngôi.

ASEAN Mitsubishi Electric Cup 2024 được trình chiếu trực tiếp và trọn vẹn trên FPT Play, tại: http://fptplay.vn