Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH Quảng Bình cho biết, tới nay toàn tỉnh có hơn 33.900 người tham gia BHXH tự nguyện, cao hơn 5% so với bình quân chung toàn quốc. Điều này có được nhờ thời gian qua BHXH tỉnh luôn phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy vậy, ông Dũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sách BHXH tự nguyện vẫn chưa thực sự hấp dẫn để thu hút người dân tham gia, khi BHXH bắt buộc có 5 chế độ cho người tham gia còn BHXH tự nguyện chỉ có 2 chế độ (hưu trí và tử tuất). Cùng đó, mức hỗ trợ từ ngân sách với người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, thời gian đóng để có lương hưu lại kéo dài tới 20 năm, trong khi kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn.
Thống kê của BHXH cho thấy, tới hết tháng 5 vừa qua, toàn tỉnh có hơn 104.500 người tham gia BHXH và trên 810.500 người tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT). Đáng chú ý, nợ BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tới hết tháng 5 chỉ hơn 84 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ năm trước). Các chế độ về BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được đảm bảo đầy đủ, kịp thời. Tới nay, đã có gần 60% người nhận các chế độ BHXH, BHTN tại Quảng Bình nhận tiền qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị.
Cùng đó, công tác thanh kiểm tra được BHXH Quảng Bình chú trọng, góp phần thực hiện nghiêm chính sách BHXH, BHYT, BHTN và bảo vệ quyền lợi của người tham gia có hiệu quả. Trong 5 tháng đầu năm, BHXH Quảng Bình đã thực hiện thanh kiểm tra 58 đơn vị sử dụng lao động, qua đó đã truy đóng hơn 145 triệu đồng, thu hồi hơn 3,8 tỷ đồng tiền nợ BHXH, BHYT, thu hồi 45 triệu đồng tiền chi BHXH sai quy định. Từ năm 2020 tới nay, BHXH Quảng Bình đã chuyển hồ sơ của 9 đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài sang cơ quan Công an đề nghị điều tra, khởi tố. Cơ quan Cảnh sát điều tra đã khởi tố 2 đơn vị.
BHXH Quảng Bình cũng kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, ứng dụng hệ thống phần mềm liên thông để giải quyết tất cả các lĩnh vực nghiệp vụ của cơ quan BHXH; giao dịch điện tử; triển khai giám định và thanh toán trên Hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông từ y tế xã. Tới nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã có hơn 262.300 người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số (đạt gần 36% tổng số người tham gia BHXH, BHYT).
Riêng với chính sách BHYT, theo ông Nguyễn Văn Dũng, từ đầu năm nay số người tham gia BHYT trên địa bàn giảm hơn 9.000 người so với cùng kỳ năm trước. Điều này do những người dân này không tiếp tục được nhận thẻ BHYT do ngân sách nhà nước hỗ trợ toàn bộ tiền đóng, vì không được công nhận là các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển.
Thời gian tới, người đứng đầu ngành BHXH Quảng Bình cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đặc biệt liên quan tới phát triển người tham gia và giải quyết chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ, thanh kiểm tra, chủ động chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định của pháp luật; kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin…
Trong thời gian qua, BHXH Quảng Bình cũng tập trung mọi nguồn lực để triển khai các chính sách hỗ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Kết quả, đã tạm dừng đóng BHXH cho 92 đơn vị sử dụng lao động với số tiền hơn 7,2 tỷ đồng; xác nhận cho trên 7.300 lao động để được hỗ trợ từ ngân sách; giảm đóng BHTN trên 22 tỷ đồng cho các doanh nghiệp trên địa bàn; chi hỗ trợ hơn 117 tỷ đồng với hơn 46.800 lao động từ quỹ BHTN; xác nhận về tham giá BHXH cho 5 người lao động tại 2 đơn vị để hoàn thiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trọ…