'Phù phép' lợn sữa thành lợn 'cắp nách'
> Nhiều nơi dùng chất độc tạo nạc
Lợn siêu nạc được nuôi bằng thức ăn công nghiệp, sau đó được bán với giá cao gấp 2 lần bình thường nhờ khoác mác lợn "cắp nách". Điều đặc biệt là những "đặc sản" này lại chủ yếu được đưa về Hà Nội, tiêu thụ trong các nhà hàng nổi tiếng để lừa thực khách.
Hiện nay, tại nhiều nhà hàng, những món ăn chế biến từ loại lợn “cắp nách” đang được nhiều thực khách tin dùng và được xem như đặc sản. Tuy nhiên, tại Phú Thọ, một trong những địa phương có đặc sản lợn “cắp nách” thì loại lợn quý này đang bị “làm rởm” để lừa du khách và đem bán cho các nhà hàng ở Hà Nội.
Trong vai du khách tìm mua đặc sản lợn “cắp nách”, PV đã “đột nhập” vào lò nuôi lợn “cắp nách” rởm của bà Hà Thị Th. (thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, Phú Thọ) và tận mục sở thị “nghệ thuật phù phép” lợn “cắp nách” ở đây.
Khi chúng tôi hỏi mua lợn “cắp nách”, bà Th. nhanh nhảu giới thiệu: “Các chú cứ vào đây, lợn “cắp nách” nhà tôi nuôi nhiều lắm. Nhà tôi còn bán lợn giống cho cả vùng này. Các nhà hàng ở Hà Nội cũng chuyên lấy hàng từ đây về”. Khi hỏi giá, bà Th. cho biết giá 100.000 đồng/kg, nếu tùy chọn thì là 110.000 đồng/kg.
Hai dãy chuồng lợn được bà Th. ngăn ra thành 5 ngăn, mỗi ngăn nuôi từ 5 – 8 con. Bà Th bảo: “Lợn “cắp nách” chính tông đấy, thơm ngon lắm các chú ạ. Cứ mua đi, tôi bán giá hữu nghị đấy”. Tuy nhiên, khi chúng tôi thắc mắc sao lợn “cắp nách” lại nuôi tập trung vào một chỗ và cho ăn thức ăn công nghiệp như lợn thường, không nuôi hoang dã, mặt bà Th. có vẻ biến sắc và giải thích: “Nuôi tập trung vì lợn mới… cai sữa”
Khi đi sâu vào bên trong, qua 2 dãy chuồng nữa và được che chắn bằng lều bạt và củi khô, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy trong 4 chuồng nuôi 4 con lợn nái to khoảng trên dưới 100kg. Trong đó có một chuồng lợn nái đang cho con bú. Đàn lợn con đang bú không khác gì đàn lợn “cắp nách” mà bà Th. đã “tiếp thị” cho chúng tôi.
Đến lúc này bà Th. mới cười và bảo: “Nếu các chú muốn mua lợn “cắp nách” thật thì giá mắc hơn một chút, 150.000 đồng/kg và phải đợi tôi 30 phút để bảo con trai vào làng bắt. Lợn “cắp nách” mà nhà tôi nuôi ở đây chỉ nhập về cho các nhà hàng ở Hà Nội thôi” (!).
Theo lời bà Th., lợn “cắp nách” mà nhà bà đang nuôi và chào khách thực chất là… lợn sữa. Đây là giống lợn siêu nạc, có lông màu đen và giống với lợn “cắp nách”. Chính vì thế, nếu mới nhìn vào rất khó phát hiện ra. Lợn siêu nạc con sau khi cai sữa được bà Th. nuôi bằng thức ăn tăng trọng, sau một tháng thì có thể xuất được. Để lừa khách hàng, trước khi bán, bà Th. cho lợn nhịn ăn từ 4 – 5 ngày, khi đó lợn đang phổng phao sẽ bị sút cân đột ngột, mõm có vẻ dài ra so với cơ thể, da sẽ nhăn lại và lông dài ra, trông giống hệt lợn “cắp nách”.
Lợn “cắp nách” rởm này một phần được bà Th bán cho những du khách “gà mờ”, còn chủ yếu được các nhà hàng lớn dưới Hà Nội nhập về để chế biến thành đặc sản phục vụ các thực khách với giá cao gấp nhiều lần thịt lợn bình thường.
“Nuôi được một con lợn “cắp nách” thuần chủng đâu có dễ, nuôi cả năm may ra mới được 12kg, mà lợn “cắp nách” mỗi năm cũng chỉ sinh có 2, thậm chí 1 lứa. Mỗi lứa cũng chỉ được từ 3 - 5 con. Các chú tính như thế thì “đào” ở đâu ra lắm đặc sản thịt lợn “cắp nách” để bán cho khách thế. Hầu hết thịt lợn “cắp nách” bày bán ở các nhà hàng cũng đều nhập loại lợn sữa siêu nạc “cắp nách” này thôi. Mà ở đây hầu như nhà nào cũng nuôi như nhà tôi cả”, bà Th. cho biết.
Theo chân bà Th., chúng tôi đi ra đằng sau vườn để được tận mắt thấy lợn “cắp nách” thực mà bà đang nuôi. Lợn mẹ cũng chỉ chừng 12kg cùng với 4 con lợn con (mỗi con chừng 4kg) đang ăn rau bèo ở ao. Bà Th. cho biết đàn lợn này bà đã nuôi được hơn nửa năm nay, giống lợn “cắp nách” thuần chủng giờ hiếm lắm, đàn lợn này nhà bà đang nhân giống, có trả tiền triệu cũng không bán. Cả huyện chỉ còn vài nhà là còn giống lợn này thôi.
Theo Ninh Sơn
Kienthuc