Phụ nữ thủ đô triển khai các mô hình chống rác thải nhựa vì một Việt Nam xanh

Nhằm tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động cán bộ, hội viên, nhân dân Thủ đô chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ hành tinh xanh, Hội liên hiệp phụ nữ Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực thông qua những việc làm thiết thực như phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Tái chế – Tái sử dụng – Tiết kiệm”, “Công sở xanh”, “Sử dụng làn đi chợ”, “Biến chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản,…

Hoạt động này góp phần xây dựng và bảo vệ môi trường sống của Thủ đô ngày càng trong sạch, an toàn và phát triển bền vững. Đó là nội dung chính trong chương trình Cuộc sống xanh với chủ đề “Nhân rộng các mô hình chống rác thải nhựa” phát sóng ngày 23/08/2020 trên kênh H1 của Đài PT- TH Hà Nội. Chương trình với sự đồng hành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).

Thời gian qua, xác định trách nhiệm là lực lượng nòng cốt tham gia phối hợp và chung tay bảo vệ môi trường, các cấp Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Hà Nội đã tổ chức triển khai có hiệu quả phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng” với nhiều hoạt động sáng tạo.

Sáng kiến “mang làn đi chợ” để giảm thiểu rác thải

 

Bằng những sáng kiến hay và việc làm cụ thể, Chi hội Phụ nữ số 5, phường Xuân La đang tích cực triển khai các mô hình “mang làn đi chợ” để hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần nhằm chống rác thải nhựa. Ý tưởng này xuất phát từ bà Nguyễn Thị Túc (phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội), mỗi sáng lại xách chiếc làn nhựa ra chợ gần nhà để mua thực phẩm. Chia sẻ về thói quen này, bà cho hay: “Dù đi làm hay đi chợ, tôi đều sử dụng chiếc làn nhựa để không phải dùng đến túi nilon, vừa gọn lại vừa góp phần bảo vệ môi trường, tôi thấy nó cũng rất đẹp". Điều đặc biệt của chiếc làn này là quy trình sản xuất ra chúng. Chiếc làn được làm hoàn toàn bằng tay và sử dụng vật liệu tái chế là các dây nhựa buộc hàng bỏ đi của đại lý nước. Bà Túc chính là người khởi xướng ra ý tưởng độc đáo này từ gần 10 năm trước - khi bắt đầu nhận nhiệm vụ làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ số 5, phường Xuân La. Việc làm ra làn nhựa đã khó, việc phát động thay đổi hẳn tư duy sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần để gói, đựng thực phẩm còn khó hơn. Những ngày đầu, nhiều bà nội trợ vẫn quen thói quen cũ, nhưng lâu dần, nhờ sự tuyên truyền vận động, kết hợp gương mẫu thực hiện của chị em Chi hội phụ nữ số 5, nhiều bà nội trợ đã thực hiện tốt công tác giảm rác nhựa để bảo vệ môi trường.

Phong trào thu gom tái chế vỏ hộp sữa, đổi cây xanh

Hưởng ứng phong trào “Vì môi trường trong sạch, phụ nữ và nhân dân Thủ đô không đổ rác phế thải ra đường, nơi công cộng” Hội phụ nữ xã Thụy Lâm, huyện Đông anh tổ chức ngày hội thu gom vỏ hộp sữa đổi quà với sự tham gia của hàng trăm cán bộ và người dân trong xã. Kết thúc ngày hội, đã có 1500 vỏ hộp sữa được thu gom, đồng thời đã trao tặng những người tham gia chương trình số cây xanh, quà tặng với tổng giá trị hơn 18.000.000 đồng, qua đó cho thấy nỗ lực trong việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường của nhân dân trên địa bàn. Chị Kim Thị Nhiệm, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh cho biết “Chúng tôi nhận thấy việc thu gom, phân loại rác thải có vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường. Đối với cá nhân tôi sẽ thực hiện ngay việc phân loại rác thải và tuyên truyền, vận động những người dân trong xóm thực hiện. Tôi sẽ đi đầu trong việc thực hiện phân loại rác thải bằng cách đặt các thùng rác để phân loại rác thải có thể tái chế, rác thải hữu cơ và rác thải không thể tái chế”.

Với trách nhiệm của tổ chức Hội liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội, bằng những việc làm thiết thực trong phong trào “Chống rác thải nhựa” hy vọng sẽ càng phát triển sâu, rộng trong cộng đồng, nâng cao ý thức cộng đồng trên địa bàn thủ đô về việc bảo vệ môi trường sống, hạn chế sử dụng và thải đồ dùng bằng nhựa, túi ni lông ra môi trường

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam hiện vẫn ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Thế giới đã đánh giá tỉ lệ chất thải nhựa phát sinh đối với nước có thu nhập trung bình như Việt Nam chiếm 12% lượng chất thải rắn phát sinh. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí còn dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là "ô nhiễm trắng".