Phụ nữ Dao đỏ biến tri thức bản địa thành cơ hội thoát nghèo

Với các loại thảo dược tự nhiên của người Dao đỏ và vốn kiến thức được đúc rút từ cuộc sống, lưu truyền qua các thế hệ, Chị Tẩn Tả Mẩy ở xã Tả Phìn, Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã giúp những phụ nữ vùng dân tộc thiểu số thoát nghèo nhờ khai thác tiềm năng của địa phương mình

Tiếp thu kinh nghiệm truyền dạy của dòng họ, ngay từ khi còn nhỏ chị Tẩn Tả Mẩy, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn đã biết đến bài thuốc tắm quý của dòng họ người Dao đỏ Sa Pa. Theo chị Mẩy, trước đây bài thuốc này chỉ được sử dụng cho người thân trong gia đình mỗi khi có người bị mỏi mệt, đau nhức xương khớp, hay phụ nữ sau sinh muốn hồi phục sức khỏe nhanh. Với vốn kiến thức về thuốc và sự đau đáu cách bảo tồn thuốc quý ở Sa Pa bà Mẩy thành lậphợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ để khai thác chính bài thuốc truyền thống, giúp xóa đói giảm nghèo cho bà con trong bản. Hợp tác xã đã chiết xuất thành công nhiều loại thảo dược quý, đặc biệt là thuốc tắm đóng hộp, dạng nước và cao. Sẵn tiềm năng du lịch của Sa Pa, phương thuốc bí truyền này đã được nhiều người biết đến và muốn được trải nghiệm dịch vụ tắm lá thuốc.

Ngoài phục vụ khách du lịch tại địa phương, hợp tác xã còn chiết xuất, cô đặc đóng chai để đưa đi tiêu thụ tại nhiều thị trường lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Loại hình dịch vụ này hằng năm không chỉ mang lại thu nhập lớn cho gia đình chị mà còn tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương. "Người dân đang được hưởng lợi từ bài thuốc tắm này, họ trồng cây dược liệu bán lại cho hợp tác xã, thu nhập 1 năm khá cao so với các cây trồng khác. - Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ cho biết. Chị Phàn Tả Mẩy, cũng thuộc thôn Tà Chải là người đã nhiều năm gắn bó với Hợp tác xã chia sẻ thêm: "Trước đây tôi chỉ cấy lúa, trồng ngô, công việc vất vả nhưng cuộc sống vẫn đói nghèo. Giờ tôi đi rừng lấy lá thuốc, trồng thêm dược liệu quanh nhà bán cho hợp tác xã, thu nhập vì thế đã khá hơn, cuộc sống gia đình đỡ vất vả, con cái được học hành đầy đủ".

 

Theo chị Mẩy, phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung, phụ nữ dân tộc Dao đỏ nói riêng ở Sa Pa vốn rất nhu mì, bằng lòng với những gì mình có. Cũng bởi vậy, nhiều năm qua, họ chưa dám thể hiện quan điểm của riêng mình và chịu nhiều thiệt thòi. Bởi thực tế, họ không có việc làm, kinh tế hoàn toàn phụ thuộc vào gia đình chồng, hoặc người chồng. Chính điều này đã làm mất đi vai trò của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Do vậy chị muốn chị em phụ nữ có việc làm, có thu nhập, qua đó có tiếng nói trong gia đình và xã hội để nâng cao nhận thức và vai trò của phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số người Dao đỏ nói riêng.

Kể từ khi thành lập Hợp tác xã, bên cạnh đầu tư, nâng cấp nhà cửa, phòng tắm để đón khách, chị Mẩy còn mạnh dạn tìm kiếm đầu mối tiêu thụ, mở rộng thị trường, liên kết với các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là phụ nữ người Dao đỏ để thu mua và chế biến nguyên liệu. Thông qua cơ hội hợp tác với Dự án GREAT - Thúc đẩy Bình đẳng giới thông qua phát triển nông nghiệp và du lịch - do chính phủ Australia tài trợ, Hợp tác xã Cộng đồng Dao đỏ tích cực kết nối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên để mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời phát triển một trung tâm sản xuất giống cây dược liệu với diện tích 4 ha. Với sự hỗ trợ của Dự án về đào tạo và ngân sách chị đã  mở rộng diện tích vùng trồng cây thuốc tắm và danh mục hàng hóa, hỗ trợ chị em phụ nữ tiếp cận đầu vào sản xuất, nâng cấp cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như quảng bá các sản phẩm mới. Dự án sẽ giúp tăng thu nhập cho 165 phụ nữ và tạo 70 công ăn việc làm thường xuyên, với thu nhập 2 triệu đồng/người/tháng.

 

“Thấy chị em phụ nữ vất vả quá, sáng đi làm nương, tối về làm việc nhà, phục vụ chồng con mà không có tiếng nói gì, chị thương lắm. Chị muốn phát triển những giá trị truyền thống của Sa Pa, không chỉ để tăng thu nhập cho bản thân mà còn giúp đỡ các chị em trong xã và để góp phần phát triển du lịch của địa phương mình.” Chị Mẩy chia sẻ.