>Bí mật nữ phi công xinh như Hoa hậu, thích cưỡi ngựa, giỏi may vá
>Tổ bay IL- 28, chuyện 40 năm bây giờ mới kể
>Không quân Việt Nam xuất kích
Dưới cánh bay, Vũng Tàu mơn mởn, duyên dáng như nàng tiên cá vừa thức dậy sau một giấc ngủ sâu. Biển trời và thành phố hòa quyện, tạo ra một bức tranh tươi sắc hữu tình...
Chừng nửa giờ bay, chiếc trực thăng từ từ hạ cánh xuống sân bay, êm ru như một chú chim bồ câu về tổ trước sự hân hoan chào đón của đoàn khách tham quan tại sân bay Vũng Tàu. Bước ra khỏi khoang lái, Thượng sĩ Đỗ Xuân Hoàn, học viên đào tạo phi công thuộc Trung tâm Huấn luyện (Tổng công ty Trực thăng Việt Nam) nở nụ cười mãn nguyện sau thời gian "tung cánh" giữa không gian - một hợp phần quan trọng nhất trong quy trình đào tạo phi công trực thăng. Đây cũng là chuyến bay trình diễn trong buổi lễ bế giảng khóa phi công đầu tiên sử dụng máy bay hiện đại EC 120B do Trung tâm trực tiếp đào tạo.
Đại tá Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Trung tâm, cũng là giáo viên bay, cho biết: "Mặc dù mới được tách ra từ Công ty trực thăng Miền Nam để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện do Tổng công ty trực tiếp quản lý, nhưng lãnh đạo, chỉ huy Trung tâm vẫn chỉ đạo khắc phục mọi khó khăn, nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo phi công cho các đơn vị trong ngành và phi công của 2 Quân chủng: Phòng không - Không quân và Hải quân sử dụng máy bay công nghệ mới EC 120B. Học viên của chúng tôi đã làm chủ được phương tiện, đạt kết quả tốt trong huấn luyện".
Chưa đầy một năm thành lập, với quân số ban đầu thiếu gần một nửa so với biên chế, vừa đảm nhiệm huấn luyện phi công trực thăng, chuyển loại kỹ thuật viên hàng không, vừa phải phát triển nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh và an ninh - quốc phòng, Trung tâm luôn ưu tiên hàng đầu cho nhiệm vụ đào tạo phi công và phối hợp bay thương mại. Khóa huấn luyện đầu tiên được thực hiện ngay sau khi thành lập, bao gồm học viên của Trường Sĩ quan Không quân và phi công Hải quân chuyển loại lái máy bay thế hệ mới. Thông thường, mỗi khi thuê máy bay mới của nước ngoài, phải thuê cả chuyên gia hoặc gửi phi công ra nước ngoài đào tạo, rất tốn kém. Khắc phục hạn chế đó, Trung tâm đã chủ động cử những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm bay đi tập huấn ở nước ngoài, rồi trở về gấp rút nghiên cứu, dịch tài liệu và hoàn chỉnh giáo trình, triển khai huấn luyện. Các giáo viên thống nhất phương án, trực tiếp kèm cặp từng học viên từ thao tác nhỏ nhất đến xử lý tình huống kỹ thuật.
Thượng tá Phạm Quang Thiết, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện bày tỏ: “Cái khó nhất là trình độ tiếng Anh của học viên còn rất yếu. Trong khi đó, hệ thống kỹ thuật và tài liệu lại toàn bằng tiếng Anh, vì vậy chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để dịch thuật và hướng dẫn lý thuyết cho anh em tới 6 ban trong tuần. Tuy nhiên, đội ngũ giáo viên bay của Trung tâm đều có thành tích hơn 10.000 giờ bay an toàn, lại được tập huấn kỹ nên chất lượng huấn luyện rất tốt”.
Những thông tin mà Thượng tá Phạm Quang Thiết cung cấp đã khẳng định sự cố gắng vượt bậc của Trung tâm trong việc đào tạo phi công trẻ lái máy bay hiện đại. Điều đó thể hiện ở kết quả tốt nghiệp khóa đầu tiên đào tạo phi công sử dụng máy bay mới đã có 100% học viên xếp loại khá, giỏi, trong đó có 60% giỏi; gần 400 giờ bay huấn luyện đúng kỹ thuật, an toàn tuyệt đối; hơn 1.500 giờ bay thương mại, vượt mức kế hoạch. Và đặc biệt là khả năng điều khiển, làm chủ máy bay hiện đại của các phi công trẻ.
Những kết quả tốt đẹp ban đầu là tiền đề để Trung tâm Huấn luyện từng bước khẳng định chất lượng đào tạo phi công trực thăng và thương hiệu bay quân sự cũng như thương mại của Việt Nam, phấn đấu đạt chuẩn “Tổ chức huấn luyện hàng không mức 1” theo quy chuẩn quốc gia và quốc tế.